Các công nhân bị mắc kẹt theo từng tốp khác nhau, cụ thể: Khu vực ngã 3 suối (Cầu khỉ): 25 người; Khu vực Trạm trộn Công ty Sông Đà (cách nhà máy khoảng 3km): 27 người. Khu vực đập cách cầu khỉ khoảng 10km có khoảng 165 người.
Ông Lê Xuân Tuấn - Tổng giám đốc công ty cổ phần Năng lượng Agrita (chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 2) cho biết cho biết do đường ở khu vực này bị sạt lở, cầu hỏng nên các công nhân đối mặt với thiếu lương thực. Việc tiếp tế đang gặp khó khăn. Trong đó, tại ngã 3 suối (cầu Khỉ) đang có 25 người; trạm Trộn công ty Sông Đà (cách nhà máy khoảng 3 km) có 27 người, gồm cả ông Lê Xuân Tuấn.
Riêng khu vực cách cầu Khỉ khoảng 10 km có 167 người, nhưng không thể liên lạc được. Một người dân từ đập chính cắt rừng về tới cầu Khỉ 15h chiều 29/10 báo tin nhóm người này đang an toàn nhưng lương thực hạn chế, đường đi rất nguy hiểm.
Thủy điện Đăk Mi 2 nằm trên địa phận xã Phước Công và Phước Lộc (nơi vừa xảy ra 2 vụ sạt lở núi). Hiện chính quyền huyện Phước Sơn đang nỗ lực tiếp tế lương thực cho các công nhân, tuy nhiên bão số 9 đã cuốn trôi và làm gãy đứt hầu hết hệ thống cầu cống của các xã huyện Phước Sơn, nhiều đoạn ngầm nước lũ quá lớn, không thể qua được. Đặc biệt, tuyến đường ĐH1 từ huyện đi các xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc hiện nay có hàng chục điểm sạt lở.
Lực lượng tiền trạm của Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn cho biết, để đến được xã Phước Lộc tiếp cận hiện trường phải đi 2 nhánh, tổng cộng là 41km đường rừng núi hiểm trở, nhiều điểm sạt lở lớn, rất nguy hiểm.
Thiếu tá Nguyễn Thành Văn – Phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn, người trực tiếp cùng đồng đội trinh sát tiếp cận khu vực Phước Lộc cho biết: “Sau hơn 1 ngày cắt rừng vượt qua rất nhiều điểm sạt lở, hiện nay lực lượng trinh sát mới tiếp cận đến ranh giới giữa Phước Công và Phước Lộc nhưng không thể đi tiếp vì nước lũ quá lớn”.
Trước tình hình đó, các lực lượng cứu hộ đang cơ động theo hướng từ xã Phước Kim qua Phước Thành đến Phước Lộc, hiện đoạn đường này cũng rất nhiều điểm sạt lở chưa lưu thông được, phải mất gần 30km đường rừng núi hiểm trở với trên dưới 15 điểm sạt lở mới đến được Phước Lộc.
Tính đến 9h ngày 30/10 công tác tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn chủ lực vẫn là lực lượng dân quân thường trực tại chỗ và nhân dân địa phương; hiện 8 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó tham mưu trưởng Quân khu 5, cho biết sẽ yêu cầu Kom Tum mở đường để tiếp cận Phước Lộc và nhà máy thủy điện. "Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là phải sớm tiếp cận để cứu dân", ông nói.
Theo ông Nhạn, hiện các đường tiếp cận khu vực bị nạn khó khăn, nhiều điểm sạt lở, đường đứt gãy, không thể cơ động bằng đường bộ vào. Nếu không tiếp cận bằng đường bộ thì sẽ đề nghị sử dụng trực thăng đưa lương thực vào.
Trước mắt, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm qua dây cáp đã được công ty kéo qua trạm vận hành tại khu vực cầu Khỉ. Riêng với công nhân ở nhà máy đá và đập chính, lực lương chức năng đang lên ba phương án tiếp tế.
Phương án thứ nhất là tìm cây to cắt cho ngã ngang qua suối để làm cầu; thứ hai là đi đường bộ từ Đăk Choong, Đắk Lấy vào; thứ ba là đề nghị trực thăng thả lương thực, thực phẩm từ trên không.
HP (Nguoiduatin.vn)