Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến sáng 24-8 Việt Nam hiện còn 421 ca bệnh Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trong đó có 39 ca chuyển âm tính 1 lần với SARS-CoV-2; 49 ca chuyển âm tính lần 2 và 28 ca chuyển âm tính lần 3.
Trong số các ca bệnh này có gần 20 trường hợp tiên lượng lâm sàng nặng (chiếm 4,6%), trong đó số phải thở máy xâm nhập là 6 trường hợp, số phải chạy tim phổi nhân tạo (ECMO) là 2 trường hợp. Hầu hết số bệnh nhân nặng này đều là bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.
Riêng về tiên lượng điều trị, hiện còn 16 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch (chiếm 3,9%), trong đó số tiên lượng rất nặng là 13/16 trường hợp (3,1%) và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào là 3 trường hợp (0,7%). Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, theo báo cáo về công tác chống dịch của địa phương này tính đến 18 giờ ngày 23-8, trong số 227 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế Đà Nẵng có 155 trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, 34 trường hợp biểu hiện nhẹ, 38 trường hợp trong tình trạng nặng, rất nặng, nguy kịch (16,4%).
Việt Nam hiện ghi nhận 1.016 ca mắc Covid-19, 27 trường hợp tử vong. Tất cả các trường hợp tử vong tại nước ta đến nay đều là bệnh nhân trong đợt dịch khởi phát tại Đà Nẵng từ ngày 25-7 đến nay. Các bệnh nhân tử vong đều có nhiều bệnh mãn tính như thận, ung thư, tiểu đường, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các Khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày.
Cũng từ 25-7 đến nay, dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 15 tỉnh, thành phố. Các trường hợp được phát hiện trong đợt này chủ yếu đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng gồm: Đà Nẵng (375), Quảng Nam (96), Đắk Lắk (3), TP HCM (8), Quảng Ngãi (5), Hà Nội (11), Thái Bình (1), Đồng Nai (2), Hà Nam (1), Bắc Giang (6), Lạng Sơn (4), Thanh Hóa (1), Quảng Trị (7), Hải Dương (14), Khánh Hòa (1).
Những lưu ý với bệnh nhân chạy thận thể phòng Covid-19
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần thực hiện các biện pháp sau để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
1. Di chuyển đến bệnh viện để lọc máu nên dùng xe cá nhân như xe máy, ô tô riêng của gia đình với cửa xe được mở thông thoáng; khi đến bệnh viện cần phân luồng, xếp hàng đi lối riêng.
2. Chủ động tự cách ly, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người khác khi ở nhà cũng như khi lọc máu tại Bệnh viện.
3. Đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, đặc biệt khi lọc máu, khi di chuyển và khi tiếp xúc với người khác.
4. Chủ động khai báo y tế, báo ngay cho nhân viên y tế những triệu chứng như sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, giảm khứu giác.
5. Không ăn uống, nói chuyện trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đờm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào thùng rác y tế sau đó vệ sinh tay cẩn thận.
6. Lọc máu xong về nhà ngay, sau đó tắm bằng nước ấm và thay quần áo mới.
7. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tránh uống nước quá nhiều, vệ sinh phòng ở sạch sẽ, rửa tay thường xuyên; liên lạc và báo cáo về tình trạng sức khỏe với nhân viên y tế thường xuyên.
Theo N.Dung (Nld.com.vn)