Ngày 27/4, một nam nhân viên tại khách sạn Như Nguyệt, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái - nơi cách ly tập trung của đoàn chuyên gia Ấn Độ - được xác định dương tính SARS-CoV-2. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sau đó giải trình tự gene, ghi nhận người này nhiễm biến chủng Ấn Độ.
Hai ngày sau, một nam thanh niên 28 tuổi, trở về từ Nhật Bản, kết thúc cách ly 14 ngày tại Đà Nẵng, về quê tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cũng được xác định mắc Covid-19.
Từ ngày 27/4 đến 18h tối 12/5, cả nước ghi nhận 610 ca mắc trong cộng đồng. Dịch lan ra 26 tỉnh/thành phố, nhiều điểm phong toả, cách ly y tế. Hà Nội có 162 ca (trong đó 86 ca ghi nhận trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), Bắc Ninh 124 ca, Bắc Giang 81 ca, Đà Nẵng 80 ca, Vĩnh Phúc 66 ca.
Kết quả giải trình tự gene các ca bệnh xác định chủng virus của Anh và Ấn Độ, với tốc độ lây lan nhanh. Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành F0; lây mạnh trong môi trường kín như quán bar, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường…
Các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhận định, có 4 nguồn dịch gồm Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và hiện nay đã cơ bản kiểm soát các chùm ca bệnh từ bốn nguồn này.
Từ 2 ca bệnh đầu tiên, dịch lan xuống nhiều tỉnh/thành với tốc độ chóng mặt
Nguồn thứ nhất là TP. Đà Nẵng, gồm ca bệnh từ khu cách ly tập trung rồi về tỉnh Hà Nam, từ một quán bar và một cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp lan ra nhiều tỉnh. Cơ bản đến hiện nay, các địa phương đã khoanh vùng hết được F1. Dự kiến khi có kết quả xét nghiệm toàn bộ F1, tới đây có thể sẽ còn có một số ca mắc mới nhưng không nhiều.
Tính đến tối 12/5, Hà Nam có 17 ca Covid-19, diễn biến dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Trong khi đó, Đà Nẵng là địa phương hiện phức tạp nhất, số ca bệnh tăng lên từng ngày, cán mốc 80 ca.
Ngoài "ổ dịch" thẩm mỹ viện Amida, Đà Nẵng phát hiện nhiều trường hợp mắc Covid-19 tại Công ty Trường Minh, thuộc KCN An Đồn (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Đà Nẵng thần tốc lấy mẫu xuyên đêm, huy động toàn lực, xử lý ổ dịch mới. TP cũng đã tiến hành "phong tỏa mềm", "phong tỏa cứng" một số khu vực để dập dịch nhanh chóng.
Nguồn thứ hai là từ Yên Bái, qua các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc rồi lan xuống Vĩnh Phúc và một số tỉnh. Ổ dịch được đánh giá phức tạp nhất tại Vĩnh Phúc là quán bar Sunny (TP. Phúc Yên) - nơi nhóm chuyên gia Trung Quốc dương tính SARS-CoV-2 từng ghé. Đến nay, 43/73 ca mắc tại tỉnh này đều liên quan tới quán bar Sunny.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định khởi tố vụ án liên quan đến quán bar Sunny về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo điều 295 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, liên quan tới những clip nhạy cảm được cho là xuất phát từ quán bar này, Công an tỉnh cũng quyết định khởi tố vụ án "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, những clip lan truyền trên mạng xã hội đều là giả mạo, không đúng sự thật, không phải xảy ra tại quán bar Sunny. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, những clip nhạy cảm giả mạo bar Sunny được đăng tải trên các trang web về cá độ bóng đá. Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang phối hợp cùng Cục An ninh mạng, Bộ Công an điều tra, xử lý các đối tượng liên quan.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định cách ly xã hội 15 ngày toàn TP. Vĩnh Yên theo Chỉ thị 16 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ 0h ngày 7/5. TP Vĩnh Yên đảm bảo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã (phường) cách ly với xã (phường).
Nguồn thứ ba tại Hải Dương từ phát hiện ca bệnh liên quan đến lịch sử dịch tễ ở Lào về. Nguồn lây này đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ.
Đào Duy T., 32 tuổi, trú tại phường Hải Tân, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã vượt biên nhập cảnh trái phép từ Lào vào Việt Nam vào ngày 20/4. Đến ngày 5/5, anh ta đi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm xét nghiệm Medlatec Hải Dương cho kết quả dương tính. 2 người khác cũng bị lây nhiễm Covid-19 từ T.
Công an TP. Hải Dương xác định vụ việc trên có dấu hiệu của tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm đối tượng theo quy định của pháp luật.
Covid-19 hiện cũng tấn công các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Với đặc thù 16 Khu công nghiệp tập trung với trên 300.000 công nhân, Bắc Ninh nếu để dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp thì công tác ứng phó sẽ rất khó khăn.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 ở Công ty Samsung Electronic, các lực lượng đã truy vết được 49 F1 và 1.166 F2. Còn ca bệnh tại Công ty TNHH Công nghệ Johnson Healths Việt Nam, Bắc Ninh đã truy vết được 27 F1, 589 F2.
Về ca Covid-19 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Bắc Ninh đã rà soát, truy vết được 40 F1, 533 F2; lấy 1.998 mẫu và phát hiện 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đêm 11/5.
Tại Bắc Giang, sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 tại Công ty TNHH Shin Young Việt Nam, KCN Vân Trung (huyện Việt Yên), các lực lượng nhanh chóng triển khai các giải pháp cần thiết để truy vết nhanh. Đây là ổ dịch rất phức tạp do công nhân tập trung đông (khoảng 90.000 người).
Đến nay, Bắc Giang đã lấy được gần 24.000 mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1, F2, công nhân liên quan đến 75 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đồng thời, phong tỏa khu có đông công nhân ở trọ (khoảng 15.000 người). 4.000/8.000 mẫu cho kết quả âm tính, các mẫu còn lại sẽ sớm có kết quả.
Covid-19 tấn công 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội
Nguồn thứ tư, đang nóng nhất, là từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2, lây sang Bệnh viện K rồi tiếp tục lan ra rất nhiều tỉnh nữa.
Ngày 5/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh - tuyến đầu chống dịch Covid-19 hơn năm rưỡi qua, buộc phải cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh. Một nam bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực có kết quả dương tính sau khi đi nước ngoài công tác. Bệnh viện ban đầu ghi nhận 14 ca bệnh Covid-19, gồm các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh trưa 5/5 đã ngay lập tức xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh kiểm tra công tác cách ly y tế. Ông yêu cầu bệnh viện phải thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Chùm ca bệnh tại đây tăng lên 86 người, diễn biến hết sức phức tạp. Dàn xe đặc chủng của Bộ tư lệnh Thủ đô cùng 70 chiến sĩ đã tiêu độc khử trừng toàn bộ khuôn viên 150.000 m2 của bệnh viện.
Bước đầu, lãnh đạo bệnh viện nhận định, nguồn lây trong khu điều trị bệnh nhân nội trú. Kết quả giải trình tự gene do Bộ Y tế công bố cho thấy các mẫu liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiễm biến chủng lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ. Qua theo dõi các bệnh nhân Covid-19 thì gần như 10 ngày đầu không có triệu chứng lâm sàng gì, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường.
Sáng 7/5, Bệnh viện K bất ngờ phong tỏa cả 3 cơ sở Quán Sứ, Tam Hiệp và Thanh Trì, sau khi ghi nhận 10 ca mắc Covid-19, gồm 6 bệnh nhân và 4 người nhà tại Khoa Gan mật tuỵ. Chủ tịch Hà Nội đánh giá tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện K phức tạp hơn ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Đây là bệnh viện tuyến cuối điều trị ung thư, rất đông bệnh nhân từ các tỉnh/thành đổ về. Quy mô gồm 1.700 cán bộ công nhân viên, 1.600 bệnh nhân, tương ứng 1 bệnh nhân lại 1 người nhà, khoảng 5.000 người trong 3 cơ sở.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đang chịu áp lực lớn, đặc biệt từ bệnh nhân đang trì hoãn điều trị. Bệnh viện đã phân công cho các khoa, phòng gọi điện trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, các mẫu xét nghiệm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều 2, 3 lần âm tính. Bệnh viện xin ý kiến Bộ Y tế ở các khoa không có yếu tố dịch tễ có thể mở lại để đón tiếp bệnh nhân.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, cả 2 bệnh viện đã cố gắng, tập trung cao nhất để khoanh vùng, dập dịch. "Đến nay, chúng ta vẫn đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong nước cũng như tại 2 bệnh viện", Thứ trưởng nói.
Ngoài ra, liên quan các bệnh nhân Covid-19, nhiều bệnh viện khắp cả nước phải tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân, cách ly tạm thời hay phong toả, phun khử khuẩn.
Nữ nhân viên y tế tử vong sau tiêm vaccine Covid-19
Ngày 7/5, Bộ Y tế thông tin chính thức về ca tử vong sau tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca, là nữ nhân viên y tế 35 tuổi, công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, tỉnh An Giang.
Sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý.
Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển về tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 7/5/2021.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình, người thân của nữ nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch y tế tỉnh An Giang.
Về việc tiêm vaccine, tính đến 16h chiều 11/5, Việt Nam đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 887.705 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Mỗi người phải có trách nhiệm với mình và người thân, sau đó là với đất nước, với cộng đồng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực rất phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp chính quyền, sự tham gia của nhân dân, nhờ đó, đến giờ này chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình tốt hơn nhiều nước xung quanh, tiếp tục vững tin vào công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh không áp dụng các biện pháp cực đoan, thái quá. Người dân hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K, đặc biệt là khẩu trang. "Đeo khẩu trang bao giờ cũng khó chịu nhưng phải đeo", Phó Thủ tướng nói. Ông đề nghị tất cả các tỉnh khi có dịch thì rất bình tĩnh, có các giải pháp thực sự cần thiết, không làm xáo trộn và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động kinh tế hơn mức cần thiết.
Còn khi chưa có dịch thì không được lơ là, chủ quan bởi người mang mầm bệnh đã có trong cộng đồng, trong điều kiện giao thông thuận lợi thì bất kỳ chỗ nào cũng có thể bùng phát dịch.
Ông khẳng định, đến ngày hôm nay, đến giờ phút này Việt Nam vẫn đang chống dịch rất tốt bằng những biện pháp của Việt Nam. Chúng ta phải có lòng tin, kiên trì, tiếp tục chiến lược chống dịch, không lung lay, thay đổi mà phải làm tốt hơn, cập nhật theo tình hình.
"Hiện nay, không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Mỗi người phải trách nhiệm trước hết với mình và người thân của mình, sau đó là với đất nước, với cộng đồng", Phó Thủ tướng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế "không được phép chậm trễ, không được phép ngơi tay. Trách nhiệm bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của nhân dân và sự bình an của đất nước đang nằm trên vai chúng ta".
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)