Sau thu hồi, mỗi doanh nghiệp quân đội chỉ có 2 xe biển đỏ cho lãnh đạo, còn lại phải chuyển sang biển trắng.
Ảnh minh họa |
Sáng 20/10, tại buổi họp báo về việc triển khai Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội, thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết cơ quan này đã thu hồi 1.400 xe biển số quân sự theo chủ trương của Bộ Quốc phòng.
"Sắp tới, mỗi doanh nghiệp quân đội chỉ có 2 xe biển đỏ phục vụ cho nhiệm vụ an ninh, quốc phòng", ông Thắng nói.
Đại diện Cục Kinh tế thông tin về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp quân đội và giải pháp triển khai đề án tái cơ cấu từ nay đến năm 2020. Trong quân đội, số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, cùng ngành nghề trên cùng một địa bàn, cơ cấu chưa hợp lý.
Theo ông Thắng, sắp tới các doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ được sáp nhập và chuyển thành đơn vị phụ thuộc, tạo ra doanh nghiệp có quy mô phù hợp. Giải pháp này giúp tập trung, tích tụ được vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, đảm bảo hiệu quả, sát với từng loại hình doanh nghiệp và giữ ổn định.
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng khẳng định việc sắp xếp, đổi mới được thực hiện theo hướng sát với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; phù hợp với thị trường, thực tiễn doanh nghiệp quân đội. Việc rút gọn đầu mối cũng gắn với Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội và định hướng phát triển doanh nghiệp không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Xe quân sự có các quyền ưu tiên sau đây khi lưu thông: - Đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới; - Không bị hạn chế tốc độ; - Được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân thủ theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. |
Theo Ngân Hà (VnExpress.net)