Đến 9h sáng 1-12, sau đợt xả trạm thứ 3 vào lúc 2h30 cùng ngày kể từ thời điểm thu phí trở lại vào ngày 30-11, BOT Cai Lậy vẫn chưa thu phí trở lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về khả năng thu phí trở lại, ông Nguyễn Phú Hiệp - giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 - sáng 1-12 cho biết hiện nay vẫn chưa có kế hoạch mới và vẫn chưa biết lúc nào mới thu phí trở lại.
"Nhà đầu tư phải họp bàn với các ngành chức năng mới có thể biết được khi nào có thể thu phí trở lại", ông Hiệp nói.
Theo ghi nhận, tại khu vực trạm hiện có hơn 20 nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ các chốt thu phí cùng một số cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông.
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí trở lại từ 9h sáng 30-11. Tuy nhiên nhiều tài xế tiếp tục phản đối bằng cách trả tiền lẻ gây kẹt xe ở hai đầu trạm.
Đến 12h45 ngày 30-11 trạm phải xả trạm lần thứ nhất. 13h35 cùng ngày trạm thu phí trở lại. Song đến 16h50 ngày 30-11 trạm Cai Lậy phải xả trạm lần hai sau sự cố ùn ứ do các tài xế gây nên.
Hai người có hành vi quá khích tại khu vực trạm bị lực lượng chức năng cách ly khỏi hiện trường.
Hơn 90 phút sau, lúc 18h30, BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Đến 19h30, hướng từ TP.HCM về Cần Thơ xe chạy bình thường còn chiều ngược lại vẫn còn ùn ứ.
Tuy nhiên đến 1h30 ngày 1-12, hướng lưu thông từ TP.HCM đi Cần Thơ tê liệt hoàn toàn tại trạm này khi một nhóm tài xế trả tiền lẻ 25.100 đồng và yêu cầu phải thối đủ. Đến 2h30, trạm đành phải xả trạm lần thứ ba.
Trước đó, khi trạm sắp đi vào hoạt động trở lại, ông Lưu Văn Hào - phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang - khẳng định vị trí đặt trạm và mức phí tại trạm thu phí Cai Lậy đã được sự đồng ý của cơ quan chức năng và sẽ không có sự điều chỉnh nào nữa.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1-8-2017. Tuy nhiên các tài xế cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ gây kẹt xe, buộc trạm phải xả trạm nhiều lần.
Đến ngày 15-8, trạm phải ngừng thu phí. Sau nhiều cuộc làm việc giữa các cơ quan chức năng, cuối cùng một phần yêu cầu của tài xế được đáp ứng khi chủ đầu tư đồng giảm phí qua trạm.
Cụ thể mức phí hiện hữu thấp nhất đối với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn 25.000 đồng/lượt (truớc 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) đối với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.
Theo Sơn Lâm (Tuổi Trẻ)