Cận kề tết Con Dê, một sự kiện khiến mọi người buồn cười hay nói chính xác hơn là cười… buồn liên quan đến 12 con dê hỗ trợ cho hộ nghèo đã “khôn ngoan” tìm đường chui vào trang trại của vị Bí thư huyện ủy, trước sự ngơ ngác của hơn 250 hộ nghèo trong xã ở Thanh Hóa.
Những con dê mới được cấp lại cho 3 hộ nghèo ở xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) sau vụ việc. Ảnh: Xuân Hùng |
Giá trị của 12 con dê đối với những hộ nghèo là lớn, có thể tạo nên đòn bẩy, điểm tựa để giúp họ thoát nghèo. Tôi đã từng biết có nhiều hộ nghèo khao khát vay được 10 triệu đồng để mua con bê nuôi làm vốn, nhưng vô vọng. Còn đối với vị Bí thư huyện ủy với trang trại đã có 70 con dê, thì 12 con dê cũng chỉ là “con muỗi” mà thôi. Vậy là “nước chảy về chỗ trũng”, nơi đã sung túc thì càng phong phú thêm, người đã nghèo thì càng cùng kiệt.
Không chỉ mất dê, người nghèo còn mất niềm tin vào cán bộ, vào chính sách, mất niềm tin vào sự tử tế, nhân văn ở đời. Ở đây, chuyện rõ ràng là không có sự công khai, minh bạch, không có họp hành, bình xét các hộ nghèo nhận dê, mà danh sách được cán bộ lập nên một cách dấm dúi, theo kiểu “xin – cho”.
Cách giải thích của vị Bí thư huyện ủy cũng thật lạ. Ông cho rằng, việc cán bộ xã đưa 12 con dê vào trang trại, ông có biết nhưng nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án như bao hộ khác (mỗi hộ hơn 10 con) chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của thị xã Bỉm Sơn (!). Chính ông là người ký kết chương trình hỗ trợ, xin dự án và trực tiếp thực hiện dự án, sao có thể dễ “nhầm” như vậy được. Xưa nay mấy ông cán bộ cấp dưới cũng chẳng dại gì khi đưa một món “quà” mà người nhận không biết đó là do ai gửi biếu.
Càng ngạc nhiên hơn khi chính vị Bí thư huyện ủy là người đã “xin được dự án phát triển chăn nuôi giúp đồng bào huyện miền núi này thoát nghèo, Bộ KHCN tài trợ cho huyện 2,6 tỉ đồng, tỉnh hỗ trợ thêm 600 triệu đồng” và chính ông cũng tham gia thực hiện dự án đó. Ông cho rằng “Là lãnh đạo huyện, tôi làm mô hình để bà con theo chứ không có chuyện làm kinh tế trang trại” (!).
Đây là điều khó tin, bởi vì ngay trong tên của dự án đã xác định rõ đối tượng thụ hưởng và thực hiện là “đồng bào miền núi nghèo”, vậy ông Bí thư huyện ủy đứng ra làm, là sai về đối tượng. Mặt khác, nhiệm vụ, trách nhiệm và tâm huyết của ông phải dành cho công việc lãnh đạo Đảng bộ địa phương, chứ không phải là dành cho việc… nuôi dê.
Nếu ông lo nuôi dê, thì việc công sẽ bị sao nhãng. Còn nếu ông thuê người khác làm, thì sao có thể gọi đó là “mô hình” của ông Bí thư huyện ủy. Chuyện ông “làm mô hình để bà con noi theo” cũng không ổn. Sự gương mẫu của lãnh đạo thể hiện trong đạo đức, tác phong và thực thi công vụ, không phải là đứng ra “làm thay” việc của dân. Phương châm của chương trình xóa đói giảm nghèo là “cho cần câu chứ không cho cá”, để dân tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Nay ông Bí thư làm thay chương trình dự án của dân, là “làm ngược”.