Sáng 28-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay tính từ 18 giờ ngày 27-6 đến 6 giờ hôm nay, TP ghi nhận 62 trường hợp mắc Covid-19, đa phần đã được cách ly hoặc ở khu vực phong tỏa. Bộ Y tế đã công bố 62 trường hợp này, là các bệnh nhân 15679 - 15740.
Trong 62 ca nhiễm mới, 61 người là những trường hợp tiếp xúc các bệnh nhân đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa; 1 trường hợp là phơi nhiễm nghề nghiệp.
61 trường hợp tiếp xúc các bệnh nhân được điều tra truy vết nêu trên liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (1 người); bệnh nhân 14898 (3); bệnh nhân 14915 (1); bệnh nhân 14174 (3); bệnh nhân 9962 (1); chợ đầu mối Hóc Môn - chợ Sơn Kỳ (6); chung cư Ehome 3, quận Bình Tân (8); chung cư Phú Thọ, quận 11 (2); bệnh nhân 9963 (1); Công ty Kim Minh, quận 5 (5); Hnam Mobile (4); Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (4); liên quan nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP (13); nhân viên công ty nước uống đóng chai (1); vựa ve chai đường Đề Thám, quận 1 (6); xưởng cơ khí đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp (2).
Tính đến sáng 28/6, TP HCM ghi nhận tổng 3.280 ca Covid-19. Hơn 10 ngày nay, số ca nhiễm ở TP HCM thường chiếm phần lớn số ca cộng đồng công bố trong ngày của cả nước, đang xếp thứ hai về tổng số ca trong đợt dịch thứ 4, chỉ sau Bắc Giang.
TP HCM đang có gần 40.000 người thực hiện cách ly, trong đó khoảng 12.000 người cách ly tập trung, gần 28.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết thành phố đang mở rộng công suất các khu cách ly tập trung tại địa bàn.
Ngoài các khu cách ly tập trung cấp thành phố ở ký túc xá Đại học Quốc gia, Bệnh viện quận 7, Bệnh viện Cần Giờ, hai khu của quân đội và hàng chục ký túc xá, theo yêu cầu chính quyền TP HCM, 21 quận huyện phải chuẩn bị mỗi địa phương 200 chỗ cách ly tập trung. Riêng TP Thủ Đức phải có 600 chỗ đáp ứng nhu cầu cách ly trường hợp tiếp xúc gần ca dương tính.
Trước tình hình số F1 ngày càng tăng, để tránh lây nhiễm chéo, Bộ Y tế hướng dẫn TP HCM thí điểm cách ly F1 tại nhà và TP cũng đang nghiên cứu vấn đề này.
Từ 0h ngày 20/6, thành phố thực hiện chỉ thị 10 của UBND TP HCM, người dân chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết. Thành phố cũng tăng cường quản lý hoạt động phòng dịch tại các chợ tự phát và chợ truyền thống. Trước đó, UBND thành phố đã cấm các chợ tự phát hoạt động từ ngày 20/6 sau khi đánh giá đây là những khu vực nguy cơ cao về lây nhiễm dịch. Hiện chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Bình Điền (quận 8), chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Kim Biên (quận 5)... đóng cửa do phát hiện nhiều ca nhiễm nCoV.
Từ ngày 19/6 đến 18h ngày 27/6, nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho 710.773 người tại TP HCM, trên tổng số 797.420 người đến tiêm.
Hơn 93.200 người hoãn tiêm sau khi khám sàng lọc, chiếm tỷ lệ trên 13%. Số đã tiêm ngừa gồm 398.504 người tại cộng đồng; 312.269 người tại khu chế xuất, khu công nghiệp. Ngoài ra còn 26.000 nhân viên y tế tư nhân đã tiêm tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo Sở Y tế TP HCM, đợt này ghi nhận 676 trường hợp phản ứng sau tiêm, trong đó 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm. Tất cả được theo dõi sát, hiện đều ổn định sức khỏe.
Trong chiến dịch đợt 4 này, Sở Y tế TP HCM đã bổ sung số lượng tiêm vaccine cho các nhóm ưu tiên, gồm 8.000 sinh viên y khoa, 5.000 người từ đội thanh niên tự nguyện, 10.000 cán bộ, nhân viên cảng biển, 3.500 cán bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất và các nhà cung ứng dược, dịch vụ cho các cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế đang làm việc tại các phòng khám tư nhân còn lại, nhân viên phục vụ trong các khu cách ly tập trung của thành phố, quận huyện và khách sạn mới thành lập...
Thành phố khởi động chiến dịch tiêm 806.000 liều vaccine ngừa Covid-19 đợt 4, từ ngày 19/6, chiến dịch lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Ngành y tế huy động hơn 1.000 đội tiêm, mỗi đội ít nhất 5 người gồm hai bác sĩ, ba điều dưỡng và hơn 10 người làm hành chính, trật tự...
Trâm (Nguoiduatin.vn)