Bí thư tỉnh Thanh Hóa - Trịnh Văn Chiến trao đổi, hỏi thăm gia đình các ngư dân trước khi vào buổi đối thoại. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trước đó, những ngày đầu năm 2016, người dân ở xã Quảng Cư và phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) đón nhận tin UBND tỉnh chuẩn bị di dời tàu thuyền, bàn giao bãi biển cho Tập đoàn FLC triển khai xây dựng các hạng mục dự án Du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương.
|
Hội trường 500 ghế chật kín, nhiều người phải đứng nghe . Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo người dân, mấy năm gần đây, cuộc sống của người dân đảo lộn, trùng thời điểm với việc Tập đoàn FLC triển khai dự án khu du lịch sinh thái. Ngư dân cho rằng, FLC đã có những hành động nhằm chặn đường ra biển, cấm họ khai thác thủy sản gần bờ trước mặt khu nghỉ dưỡng.
Trong ba ngày (26-28/2), một nhóm ngư dân xã Quảng Cư bắt đầu kéo đến UBND tỉnh phản đối việc chính quyền giao bãi biển cho FLC. Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa thuyết phục bà con giải tán nhưng bất thành.
Người dân Sầm Sơn nấu ăn trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Công an tỉnh Thanh Hóa phải phong tỏa tuyến đường đại lộ Lê Lợi dẫn vào UBND tỉnh để đảm bảo trật tự. Xe cứu thương cũng được điều động sẵn vì sợ có người kiệt sức, ngất xỉu. Hai ngày kế tiếp, người dân vẫn tập trung rất đông ở cổng UBND tỉnh nhưng chưa có động thái nào được lãnh đạo tỉnh đưa ra.
Sang ngày 2/3, để giải quyết, chính quyền Thanh Hóa ra chính sách hỗ trợ việc giải bản (phá bỏ) bè mủng, đóng tàu công suất lớn và chuyển đồi nghề cho ngư dân.
Tuy nhiên, các gia đình ngư dân vẫn không đồng ý và nhất quyết chỉ muốn được đòi lại hơn 500 m bãi biển để có nơi neo đỗ tàu thuyền, tiếp tục vươn khơi.
Ngày 3/3, ông Ngô Văn Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh tổ chức cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, song, vụ việc vẫn bế tắc do người dân không được đáp ứng yêu sách.
Thanh Hóa tăng cường cả trăm cảnh sát cơ động lập hàng rào an ninh ở trụ sở Tỉnh ủy ngày 4/3. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Căng thẳng càng tăng cao khi cuối ngày 3/3, Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố người dân về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nhà chức trách thông tin, việc người dân Sầm Sơn tụ tập ở cổng UBND tỉnh đã gây cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngay hôm sau, người dân tổ chức diễu hành quanh các tuyến phố và kéo đến cả trụ sở Tỉnh ủy. Công an tỉnh Thanh Hóa đã phải huy động hàng trăm cảnh sát lập hàng rào bảo đảm an ninh quanh trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Phối cảnh dự án cải tạo, nâng cấp bãi biển phía Đông, đường Hồ Xuân Hương (Sầm Sơ). Nguồn: VnEconnomy. |
Ngày 5/3, tại phường Trường Sơn (thị xã Sầm Sơn), một vụ xô xát xảy ra giữa một nhóm thanh niên với bà Văn Thị Thắng (45 tuổi). Hậu quả, bà Thắng bị chấn thương nhập viện. Các nhân chứng khẳng định "có tiếng súng nổ".
Sự việc xảy ra trong khi bức xúc của người dân lên cao khiến họ cho rằng, hành vi của nhóm người liên quan đến việc dân phản đối chính quyền thu hồi đất bãi biển giao cho FLC. Hàng trăm người sau đó đã vây trụ sở công an phường rồi tiếp tục ồ ạt kéo về trụ sở UBND thị xã yêu cầu làm rõ.
Ngày 6/3, Công an tỉnh bác bỏ sự liên quan giữa vụ xô xát và việc người dân tập trung ở UBND tỉnh. Cảnh sát cũng công bố bắt được hai nghi can liên quan tới vụ nổ súng nói trên.
Cùng ngày, Tỉnh ủy Thanh Hóa phát đi thông báo về cuộc đối thoại giữa người đứng đầu đảng bộ địa phương - Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến - với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn thuộc xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn.
Cuộc đối thoại được sắp xếp ngay tại Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn, bắt đầu từ 8h sáng 7/3 với sự tham gia của nhiều lãnh đạo tỉnh và thị xã.
Dự án quy hoạch không gian du lịch phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, có tổng vốn 315 tỷ, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015. Nhà đầu tư được lựa chọn Tập đoàn FLC. Theo tiến độ, dự án này phải hoàn thành trước 30/4/2016, để kịp khai thác du lịch mùa hè Sầm Sơn.