10.000 ngày hoàn thành lời thề độc lập

02/09/2018 06:26:31

Ký ức ngày Quốc khánh 2.9.1945 của trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm nào. Thế hệ của ông đã bước đi 10.000 ngày để hoàn thành lời thề độc lập.

10.000 ngày hoàn thành lời thề độc lập
Ảnh: K.M.Sơn

Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, Hồng Cư khi đó là chiến sĩ của đội tự vệ chiến đấu Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu (tên gọi của Hà Nội lúc đó). Đơn vị tự vệ chiến đấu ấy vinh dự được Thành ủy giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ lễ đài ngày độc lập 2.9.1945. “Đây là một vinh dự lớn mà đối với tôi, giờ đã trải qua nhiều năm nhưng vẫn không thể nào quên”, vị lão tướng 93 tuổi bồi hồi kể lại.

Chiều 2.9 mới diễn ra lễ Tuyên ngôn độc lập, nhưng từ mấy đêm trước đội tự vệ đã cùng các đơn vị chuyên môn khác rà soát lại toàn bộ khu vực lễ đài để đảm bảo không có vũ khí gây nổ. Đúng ngày 2.9.1945, Thành ủy cử hai trung đội để bảo vệ trực tiếp lễ đài. Một trung đội đứng sát ngay lễ đài và một trung đội chia đều ra khắp các đường và chiếm các điểm cao xung quanh để bảo vệ từ xa. 

“Tôi cùng với bộ phận anh Hoàng Phương (sau này là trung tướng - GS Hoàng Phương) một trong những người chỉ huy lúc bấy giờ, đứng ngay gần lễ đài, vì chúng tôi phụ trách phần kéo cờ”, trung tướng Phạm Hồng Cư cho biết.

Đến khi được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, thấy trong tiếng nói có âm sắc Nghệ An, Hoàng Phương ghé tai Hồng Cư hỏi nhỏ: “Này này cậu có biết không, ông cụ là Nguyễn Ái Quốc”. Một niềm sung sướng không có gì tả được, Hồng Cư thốt lên: “Người đã về”.

Sau Tuyên Ngôn độc lập, có một nghi lễ là lễ Lời thề độc lập. Hàng vạn người dân hô vang: Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh; Kiên quyết chống lại sự xâm lược của giặc Pháp; Nếu giặc Pháp trở lại thì không đi lính cho Pháp, không bán hàng cho Pháp, không dẫn đường cho Pháp...

“Cứ sau mỗi lời thề như vậy, tất cả lại giơ tay: “Xin thề”. Khi giơ tay thề, nước mắt tôi và những người bạn cứ thế trào ra. Chúng tôi xúc động là bởi vì cách đó không lâu đương còn là một nước nô lệ, mất nước, thế mà hôm nay đã là dân của một nước Việt Nam độc lập”.

Ba mươi năm sau, mùa xuân 1975, Hồng Cư là phái viên của Tổng cục Chính trị đi theo cánh quân phía đông vào tới Dinh Độc Lập. Năm tháng trôi qua nhưng kỷ niệm về ngày lịch sử ấy vẫn hiện ra đậm nét trong ký ức. Giữa không khí tưng bừng của ngày toàn thắng, những người lính Cụ Hồ trong bước chân thần tốc đã có những giây phút xúc động chưa từng thấy để có mặt tại Dinh Độc Lập đúng ngày 30.4.1975.

Nội các của Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chính ủy Lữ đoàn 203 xe tăng Bùi Văn Tùng thảo lời đầu hàng và đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc lời đầu hàng. Nhà báo Von Boris Gallasch người Đức đã cho mượn chiếc cát xét thu lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng.

Dường như mỗi khoảnh khắc lịch sử đều khiến trung tướng Hồng Cư rưng rưng: “Một giờ sau đó, anh Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn 2 vào kiểm tra về mặt quân sự. Anh Lê Linh - Chính ủy Quân đoàn 2 vào kiểm tra về mặt chính trị. Tôi bước qua thảm cỏ trước sân bước vào thềm Dinh Độc Lập và 3 chúng tôi ôm lấy nhau. Khi ấy anh Lê Linh - một trong những người giơ tay thề độc lập đã ghé vào tai tôi và nói rằng: “Chúng ta đã hoàn thành lời thề độc lập”. Chỉ chừng ấy thôi mà nước mắt trào ra, sung sướng”.

Vậy là thế hệ của ông đã bước đi 10.000 ngày để hoàn thành lời thề độc lập. Giờ đây, trung tướng Phạm Hồng Cư vẫn xúc động: “Cách mạng Tháng Tám 1945, khi ấy tôi 20 tuổi và là Trung đội trưởng Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hà Nội. Tôi có vinh dự cùng đơn vị tham gia bảo vệ Lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Chúng tôi đã giơ tay thề giữ vững nền tự do và độc lập của dân tộc vừa giành được. Từ đó, tôi mang trong mình lời thề độc lập đi suốt 30 năm, trải qua hai cuộc kháng chiến. Thế hệ chúng tôi đã hoàn thành lời thề độc lập, thế hệ ngày nay phải giữ gìn, xây dựng đất nước”.

“Trung tướng Phạm Hồng Cư là con người yêu văn chương và am tường các sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là các sáng tác về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Ông tạo được niềm tin cho đội ngũ văn nghệ sĩ... Ông nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc.Ông là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu. Ông tâm niệm luôn sống, làm việc, ứng xử với mọi người, nhất là với bà con dân phố khu dân cư, với đồng chí đồng đội, tự rèn luyện mình theo tấm gương đạo đức, tác phong tư tưởng Hồ Chí Minh”. (Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Tác chiến - Bộ tổng tham mưu QĐND VN).

Theo Kiều Mai Sơn (Thanh Niên Online)