Tại cuộc họp của Chính phủ vào tối 19/8, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh.
Trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...
Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các Bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân TP và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu "muôn hình vạn trạng" trong thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ tại cuộc họp ngày 20/8 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, lực lượng quân đội sẽ lập các đội công tác đặc biệt với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… vừa làm công tác tuyên truyền vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng nhà dân.
Ngoài ra, lực lượng quân y cũng sẽ cùng với các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế cho người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà cũng như các trường hợp y tế khẩn cấp khác.
Để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày, Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị các Bộ, ngành, trong đó có quân đội, công an, ngành công thương hợp tác giải quyết vấn đề này.
Trước đó, ngày 20/8, Cục Quân Y có công văn gửi Học viện Quân y đề nghị huy động 300 bác sĩ và học viên đại học tăng cường cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam. Trong đó, 120 bác sĩ là học viên đang đào tạo sau đại học thuộc các đơn vị của học viện, 180 học viên đại học từ năm thứ 2 trở lên.
Cùng với đó, 300 bác sĩ, học viên sẽ chia thành các tổ (2 bác sĩ và 3 học viên) sẵn sàng lên đường khi có lệnh.
Nhiệm vụ của các bác sĩ, học viên này là lấy mẫu xét nghiệm; tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.
Cũng trong ngày 20/8, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, đã có công văn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho các chuyến bay đưa các cán bộ, nhân viên quân y và trang thiết bị từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Theo đó, từ 21 - 23/8, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào TP.HCM để phục vụ công tác phòng, chống dịch theo đường hàng không.
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn phía nam.
Tại TP.HCM, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có khoảng 2.300 người, ở 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông (Quân khu 7) và Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng thuộc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)