Ngoài ra còn có các luật: Quốc phòng; Sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Lâm nghiệp; Thuỷ sản; Đo đạc và bản đồ; Thể dục, thể thao.
Những hành vi bị cấm trong luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật An ninh mạng
Một trong những nội dung của luật này nằm ở chương 2 quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nội dung thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này.
Luật quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Người vi phạm tùy tính chất, mức độ hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại gây ra.
Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng: sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội bao gồm các hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống...
Cấm làm lộ danh tính của người tố cáo
Với 9 chương, 67 điều, luật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của luật là: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật...
Gắn quốc phòng với kinh tế - xã hội
Luật Quốc phòng có 7 chương và 40 điều quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.
Một trong những điểm đáng chú ý là tại điều 15 luật này quy định, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 15 cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.
Phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội
Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục, có các quy định cụ thể liên quan đến hệ thống quy hoạch và mối liên hệ giữa các loại quy hoạch; nguyên tắc chủ yếu trong hoạt động quy hoạch; nội dung quy hoạch; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch; trách nhiệm quản lý nhà nước và thông tin quy hoạch;…
Luật xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.
Các luật còn lại cũng quy định rõ về nguyên tắc hoạt động và những hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)