10 linh thú quỳ chầu ở chùa Phật Tích

21/02/2018 09:03:43

Video: Khiêng cũi lùa bắt lợn đen cầu may ở hội Phú Thọ

Được xây dựng từ thế kỷ 11, 10 tượng linh thú quỳ chầu ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) trở thành nét độc đáo, hiếm chùa nào có được.

Tượng 10 linh thú là một trong ba nhóm cổ vật của tỉnh Bắc Ninh được công nhận bảo vật quốc gia đợt 6, năm 2017. Các nhà nghiên cứu nhận định, bảo vật này có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử thời Lý (thế kỷ 11), cùng thời điểm xây dựng chùa Phật Tích.

10 linh thú quỳ chầu ở chùa Phật Tích
Các linh thú có tư thế quỳ chầu trước cửa Tam Bảo. Ảnh: Quang Chiến

Theo văn bia “Vạn Phúc đại thiền tự bi” dựng năm 1686, vua thứ ba nhà Lý (tức vua Lý Thánh Tông) năm 1057 cất lên cây tháp cao, tạo pho tượng mình vàng cao 6 thước, cấp hơn trăm thửa ruộng, xây chùa trăm gian. Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, bên trong điện tự nhiên sáng như ngọc lưu ly.

"Điện ấy đã rộng, lại to, sáng sủa và lớn. Trên bậc thềm đằng trước có bày 10 con thú, phía sau có ao rồng, góc cao vẽ chim phượng và sao Đẩu lấp lánh, lầu rộng và cao, tay rồng với tận trời cao...”, văn bia ghi.

Tượng 10 linh thú gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa Tam Bảo. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối (trừ con trâu). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết mộng. Trên mình của một số con thú được chạm văn mây, móc nối mềm mại.

Mỗi linh thú cao khoảng 1,2 m, dài khoảng 1,5-1,8 m và đều được đặt trên bệ đá hoa sen dài 1,7 m, rộng 0,8 m và cao 0,36 m. Mặt trên của bệ đá được tạc nổi hình tròn trang trí những cánh hoa sen cách điệu, mặt bên được chạm nổi hình dàn nhạc công đang biểu diễn.

"Năm 1952, thực dân Pháp chiếm đóng Phật Tích, phá hủy hoàn toàn kiến trúc ngôi chùa. 10 linh thú cũng bị ảnh hưởng. Tượng voi bên phải Tam Bảo bị mất ngà và vòi, tượng trâu bên trái Tam Bảo mất sừng và mặt”, thầy Thích Giác Tính (chùa Phật Tích) cho hay.

Theo thầy Tính, do nền đất cũ thấp, các tượng linh thú đã được tôn bằng bệ đá cao thêm khoảng 20 cm, vị trí đặt không thay đổi. Trải qua cả nghìn năm, đến nay các tượng linh thú còn tương đối nguyên vẹn, chỉ vỡ nhỏ ở các rìa cạnh phần đế bệ, bề mặt bị phong hóa, bào mòn. 

10 linh thú quỳ chầu ở chùa Phật Tích - 1
Riêng tượng trâu bên trái Tam Bảo được ghép bằng hai khối đá. Ảnh: Quang Chiến

Từng có thông tin lưu truyền trong dân gian rằng khi thực dân Pháp xâm lược, nghi ngờ vua chúa giấu vàng trong các linh thú nên người Pháp xẻ thử tượng trâu để tìm kiếm. Tuy nhiên, sau nhiều công trình nghiên cứu khoa học, các nhà khảo cổ chỉ ra rằng khác với tượng linh thú còn lại, tượng trâu phía bên trái Tam Bảo được ghép bằng hai khối đá.

Những linh thú này đều có trong tích nhà Phật, mang ý nghĩa bảo vệ Phật pháp và sự quy y Phật pháp. Sư tử là biểu trưng của sức mạnh. Voi được coi là sức mạnh tinh thần. Tê giác là biểu tượng cho những người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát. Ngựa là biểu tượng cho năng lượng và sức lực trong việc hành pháp. Trâu mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tư tại trong thế giới của Phật.

Tượng 10 linh thú chùa Phật Tích mang ý nghĩa nghệ thuật và giá trị tiêu biểu. Hệ thống tượng thú đá kết hợp với các tác phẩm điêu khắc đá cùng thời (tượng A Di Đà, tượng Kinnari - đầu người mình chim, điêu khắc rồng tại ao rồng…) tạo nên vẻ đẹp cổ kính, nét độc đáo riêng biệt của chùa Phật Tích, điều mà hiếm ngôi chùa nào có được.

Mặt khác bảo vật cho thấy sự phong phú, đa dạng về đề tài cũng như chủ đề sáng tác trong mỹ thuật Phật giáo thời Lý nói riêng, lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam nói chung. Việc giải mã ý nghĩa biểu tượng các tượng linh thú này gắn với thuyết “vật linh” của Phật giáo cho thấy nét đặc trưng tư tưởng triết học Phật giáo - phổ độ chúng sinh, giác ngộ muôn loài.

Theo Quang Chiến (VnExpress.net)

Nổi bật