Những chiếc lồng đèn đủ sắc màu với hình thù độc đáo, “thời sự” nhưng vẫn giữ cách làm thủ công là điểm giúp xóm lồng đèn Phú Bình (quận 11, TP.HCM) tồn tại suốt mấy chục năm thăng trầm.
Xóm lồng đèn Phú Bình từ lâu đã nổi tiếng gần xa, được hình thành bởi những nghệ nhân gốc Nam Định di cư vào Sài Gòn lập nghiệp. Họ chọn khu vực này làm chỗ hội xóm làng. Những năm 90 của thế kỷ trước là thời kỳ cực thịnh của những chiếc lồng đèn giấy. |
|
Hơn 20 năm sau, xóm lồng đèn thưa dần bởi nhiều hộ đã chuyển nghề, hoặc dùng nơi ở cũ xây cất nhà trọ. Tuy vậy vẫn còn hơn 20 hộ giữ được cái nghề truyền thống mà cha ông để lại. |
|
Một trong những "thương hiệu" của xóm lồng đèn Phú Bình là tiệm Nam Ký, nơi đã có gần 30 năm bán lồng đèn. |
|
Chú Tú (53 tuổi) cho biết, những năm về trước, còn cách 1 tháng mới Trung thu là thương lái và nhiều bạn trẻ đã đổ xô tìm đến đặt hàng chục chiếc lồng đèn. Thời thế đổi thay, lồng đèn điện tử dần chiếm lĩnh thị trường nhưng vẫn có một bộ phận yêu nét văn hoá cổ truyền mà tìm đến con xóm này. |
|
"Giá của mỗi chiếc lồng đèn nhỏ dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/chiếc, loại trung thì 70.000 - 100.000 đồng, vài trăm ngàn cũng có" – chị Thu (39 tuổi) nói. Chị cho biết, mình là đời thứ ba theo nghề làm và bán lồng đèn, tính ra gia đình đã theo nghề ngót 70 năm. |
|
Mùa trung thu năm nay, chị Thu cho biết thị trường có vẻ khả quan hơn khi giá nhích một chút và số lượng người đặt cũng tăng. Loại lồng đèn mà khách đặt nhiều nhất là lồng đèn hình gà, chiếc thuyền và hình ông sao. |
|
Dù vậy, năm nay xóm Phú Bình vẫn làm rất nhiều mẫu lồng đèn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Có thể kể đến những chiếc lồng đèn truyền thống cỡ lớn như lồng đèn rồng, phượng, cá cho đến các hình thù thời thượng như trực thăng, mèo máy, gấu hoạt hình… |
|
Men theo con đường dẫn vào giáo xứ Phú Bình, chúng tôi tìm đến nhà của chú Hỉ Tạo Sáng (65 tuổi, người gốc Hoa). Tại đây, hai cha con ông Sáng đang cặm cụi dán những miếng giấy lụa màu đỏ rực vào những khung lồng đèn hình chiếc thuyền và tiến hành vẩy mày. Đó cũng là công đoạn mà theo ông Sáng là phức tạp nhất của việc làm lồng đèn, vì cần sự tỉ mỉ. |
|
Cách pha hồ cũng là một nghệ thuật, phải giữ cho hồ không lỏng quá, cũng không đặc quá, để khi vừa trét vào các khung sườn và ịn giấy vào là dính ngay. |
|
Khác với ngày xưa tự làm và bán, ngày nay ông Sáng cũng như nhiều hộ ở đây chọn cách dán lồng đèn thuê từ khung sườn làm sẵn ở các công ty, với tiền công khoảng 1.500 đồng/chiếc. Công việc mùa vụ này cùng với thu nhập từ tiền bán nước đá hằng ngày cũng giúp gia đình ông có thêm đồng ra đồng vào. |
|
Tương tự, ngoài bán lồng đèn những tháng Trung thu, chủ tiệm Minh Anh có công việc chính là bán bún bò huế hằng ngày. Với họ, đây không chỉ đơn thuần là nghề kiếm sống mà còn là cả một khung trời kỷ niệm mà cha ông để dày công để lại. |
|
Điểm độc đáo không ở đâu có được của xóm lồng đèn Phú Bình là ở nguyên liệu, khi các nan khung là tre lồ ô, được lấy từ xừ Bình Phước. Loại tre này khi vuốt mỏng có thể uốn cong dễ dàng thành nhiều hình thù nhưng vẫn bảo đảm được sự chắc chắn. |
|
Nằm sâu bên trong hẻm nhưng tiệm lồng đèn của chú Huân vẫn rất đắt hàng lồng đèn hình gà. Dù khá vui nhưng người đàn ông tiếc lộ, đây sẽ là mùa bán lồng đèn cuối cùng của gia đình. Bởi năm ngôi nhà sẽ được giao lại cho con chú gầy dựng cuộc sống mới. "Cái nghề này làm cho vui thôi, chứ không mong giàu có được" - chú Huân tâm sự. |
|
Có lẽ người vui nhất trong mùa Trung thu tại con xóm này là chú Lượng (65 tuổi, quê Sài Gòn). Gần 20 năm nay, cứ đến mùa Trung thu là chú lại có rủng rỉnh tiền từ việc chở lồng đèn thuê. Giá thuê sẽ dao động từ 50.000 đồng đến 200.000-300.000 đồng cho một chuyến hàng, tuỳ vào khoảng cách giao. |
|
Tuy chỉ còn trên dưới 20 hộ giữ được nghề làm lồng đèn truyền thống nhưng xóm lồng đèn Phú Bình vẫn giữ cho mình một nét rất riêng của sự dung dị, mộc mạc nhưng vẫn rất nghệ thuật, trữ tình giữa cuộc sống hiện đại, xô bồ. Mừng cho con xóm nhỏ khi vụ Trung thu năm nay "trúng mùa". |
Theo Thiên Kim (Trí Thức Trẻ)