Tiếp theo sự thành công bước đầu của dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, nhằm mang lại không gian văn hoá giải trí mới cho cộng đồng, dự án nghệ thuật công cộng trên khu vực phường Phúc Tân ven Sông Hồng có thể coi là một nỗ lực tiếp theo của chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện.
Dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địạ thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hoá đó nhóm nghệ sỹ có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây.
Dự án phần lớn sẽ sử dụng những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy, vành lốp bánh xe máy, ông bô xả… cũng như các đồ rác thải từ chính nơi đây cũng như từ những khu xử lý đồ tái chế khác trong thành phố làm nguyên liệu chính để tái tạo ra các tác phẩm sắp đặt tương tác ngữ cảnh của dòng sông Hồng cũng như cùng lịch sử văn hoá phong phú của Thăng Long Kẻ Chợ.
Có 16 nghệ sỹ trong và ngoài nước với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại từ 20 năm trước kéo dài 250m.
Dự án này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như cả hiệu ứng ánh sáng ban đêm hi vọng sẽ là một điểm nhấn tiếp theo của thành phố, có khả năng thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hoá, môi trường và tham quan du lịch cho chính người dân địa phương.
Tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại” của nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Ưu Đàm, đây là 1 tác phẩm sắp đặt nói đến trận chiến cho một cuộc sống xanh. Với mỗi người lái xe máy như là 1 Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đang chiến đấu với kẻ thù là ống đựng chất thải như một con mãng xà. Tác phẩm sử dụng nhiều vật liệu tái chế và kết hợp hợp sắt tấm tái chế cắt CNC sơn màu.
Tác giả Cấn Văn Ân tạo ra 1 con thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng, trên đó gắn 5000 mảnh gương lấp lánh phản chiếu tạo thành những những lớp sóng của dòng sông, một hình ảnh phân mảnh trừu tượng tương tác với người xem.
Tác phẩm vẽ hình bóng những ngôi đình làng trong phố cổ Hà nội bị phân thành các mảnh vỡ sau đó được ghép lại bằng vàng giống như 1 sự suy tư về những giá trị văn hoá bị mất mát trong lịch sử và gợi lên những câu hỏi về ứng xử của thời đại này với những giá trị di sản đó.
Tác phẩm “Gánh hàng rong”, “Phù điêu Đông Dương” của tác giả Nguyễn Thế Sơn tái hiện hình ảnh trên bến dưới thuyền của đất Kẻ chợ xa xưa.
Tác phẩm "Phù sa" sử dụng vật liệu là gốm, sành, đất nung.
Với tác phẩm lần này, Họa sĩ Nguyễn Đức Phương lấy bụi của đô thị kết hợp với phù sa của sông Hồng và các mảnh sành được thu lượm từ dưới đáy sông để tái hiện lại nền móng của một ngôi chùa từ thế kỷ 16 đã bị biến mất.
Hơn 10.000 chai nhựa là chai nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng... gom được ở các trường học, khu dân cư, đã được tạo hình thành 4 chiếc thuyền buồm, gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm.
Nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortiza đã thu gom những chiếc bu gà ở chợ Long Biên (Hà Nội) để sơn màu, biến thành những chiếc lồng đèn soi chiếu hình ảnh con rồng được vẽ và hình ảnh cầu Long Biên được ghép từ những mảnh gương vỡ trên tường.
Tác phẩm “Thành phố ven sông” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm sử dụng thùng phuy cũ tạo nên 1 thành phố ven sông nghệ thuật.
Nghệ sĩ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy, vật dụng đặc trưng của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng để đưa đến cái nhìn về cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng.
Ông Nguyễn Khắc Chung (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Trước đây tại đây rất bẩn và tối tăm. Từ khi có những tác phẩm nghệ thuật, người dân ở đây rất vui khi khu xóm trở nên đẹp hơn rất nhiều. Tôi mong muốn các dự án này sẽ tiếp tục được nhân rộng để ở đâu cũng được đẹp như này."
Theo Phạm Tùng (Nguoiduatin.vn)