Giữa những tuyến đường, con ngõ của thủ đô Hà Nội, thấp thoáng đâu đó những bóng dáng tần tảo của các mẹ, các cô, các chị... làm việc. Họ chẳng bận tâm đến thời gian, thời tiết hay ngày lễ, bởi lẽ với họ hôm nay vẫn trôi qua như bao ngày mưu sinh vất vả khác.
2h sáng 20/10, tại chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội), trong khi mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ đêm cũng là lúc những nữ cửu vạn, phu xe ở chợ Long Biên bắt đầu một ngày làm việc mới, công việc thường kéo dài từ tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Không ai nghĩ những người phụ nữ chân yếu, tay mềm có thể kéo xe hàng nặng 100-300kg, chẳng kém gì đàn ông. "Làm riết cũng quen, tôi cũng chẳng nhớ hôm nay là ngày lễ Phụ nữ", người phụ nữ chia sẻ.
3 giờ sáng ngày 20/10 tại một góc phố cách hồ Gươm 200m, chị Nguyễn Thị Lượng (Khoái Châu, Hưng Yên) đang bận rộn với việc phân loại chuối để bán. Chị chia sẻ đã có 20 năm làm nghề bán chuối, ngày nào cũng cùng chồng đi từ quê lên Hà Nội từ nửa đêm để kịp buôn bán cho ngày mới.
"Lắm lúc cũng tủi thân vì ngày Phụ nữ Việt Nam vẫn phải làm việc nhưng nghĩ lại là bản thân luôn có chồng ở bên, làm việc cùng anh mỗi ngày", chị Lượng nói thêm.
Cùng thời điểm này, cô Phạm Thị Lị (60 tuổi, Hà Nội) đang cặm cụi nhặt đồ đồng nát là những vỏ hộp đựng thức ăn, hộp đồ uống,... trên phố Phan Đình Phùng.
Nhắc đến ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà Lị tạm dừng tay, xúc động nói: "Tôi cũng không nhớ hôm nay là ngày gì, cũng chẳng để ý đến lễ dành cho phụ nữ. Ngày nào tôi cũng đi nhặt ve chai từ chiều đến sáng sớm rồi về nghỉ ngơi, cứ lặp đi lặp lại như thế hàng ngày".
Phần lớn những người phụ nữ này đều có hoàn cảnh khó khăn, lao động vất vả, không quản hôm sớm mưu sinh, đi làm thuê làm mướn, bán hàng rong...
Những bóng dáng lầm lũi, tất bật với dòng xoáy mưu sinh.
Gần 3h30 sáng tại ngã tư Cầu Giấy, cô Chanh và cô Huệ (làm nghề bán muối) ngồi nghỉ mệt và trò chuyện với nhau. Cô Chanh chia sẻ rằng mình quê ở Đan Phượng, ngày nào cũng đạp xe từ tờ mờ sáng, vượt quãng đường 30km lên phố để bán muối. "Phụ nữ ai cũng mong muốn được yêu thương, nhưng cuộc sống mưu sinh cứ cuốn mình đi, không có thời gian nghĩ nhiều đến ngày lễ", cô Chanh nói.
Đến khoảng 4 giờ sáng, các lao công nữ bắt đầu miệt mài dọn đường chuẩn bị cho một ngày mới. Trong khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, họ âm thầm cống hiến mà ít ai nhớ đến, ngay cả trong ngày Phụ nữ Việt Nam.
Hai mẹ con cô Dung (ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) thức trắng đêm để gói hoa cho ngày 20/10. Cô chia sẻ: "Công việc tuy vất vả hơn vào những ngày lễ, nhưng đổi lại là niềm vui của người mua và người được tặng hoa. Đối với tôi, mỗi người một nghề, nhưng phụ nữ nào cũng xứng đáng được yêu thương và trân trọng trong ngày hôm nay."
Ngày 20/10 là ngày tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, là dịp để bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu thương dành cho họ. Thế nhưng, ở quanh ta, đâu đó vẫn có những bóng dáng âm thầm, lầm lũi, tất bật với dòng xoáy mưu sinh. Với họ, ngày này cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác, bởi gánh nặng cơm áo khiến họ ít có thời gian dừng lại để cảm nhận hay hưởng thụ niềm vui mà ngày lễ mang lại.
Theo Đức Nguyễn (Tiền Phong)