Hàng chục người bảo vệ kiệu hoa tre tại lễ hội đền Gióng Lễ hội đền Gióng 2019 (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn đầy đủ nghi thức rước lễ, dâng hoa tre nhưng năm nay được đổi mới và bảo vệ nghiêm ngặt nên cảnh tranh cướp không còn nữa.
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) khai mạc sáng 10/2 (mùng 6 tháng Giêng). Đây là năm thứ 2 lễ hội thắt chặt an ninh, không để tình hướng tranh cướp xảy ra. Các đoàn rước giỏ hoa tre, giỏ trầu cau đều đặt lễ ở đền Thượng, không rước xuống đền Mẫu và đền Hạ. Nhiều người cho rằng cướp được hoa tre sẽ mang đến may mắn cho bản thân, gia đình trong năm tới và là một nét đẹp của lễ hội. Vì thế, khi bỏ tục lệ này sẽ làm giảm không khí của lễ hội. Sau khi làm lễ ở đền Thượng, hai lễ hoa tre được che kín để mang đến đền Hạ. Giỏ hoa tre còn lại được đặt tại đền Thượng. Trên đường xuống đền Hạ, lễ hoa tre được nhiều người đi xung quanh bảo vệ. Phần lớn du khách được yêu cầu di chuyển ra ngoài khu vực hành lễ, nhiều người vẫn cố nán lại khiến đoàn rước phải dùng thanh tre chắn, đề phòng tình trạng xô đẩy, tranh cướp. Đoàn rước giỏ trầu cau rước kiệu không sau khi làm lễ. Trong các kiệu rước, kiệu có “Tướng bà” được đưa từ đình làng Yên Tàng (xã Bắc Phú) là quan trọng nhất. Kiệu "Tướng bà" thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Nhiều người mừng tuổi cho “Tướng bà”, vừa cầu may trong năm mới. Năm nay, em Nguyễn Thùy Linh (11 tuổi) được chọn đóng vai “Tướng bà”. Người được lựa chọn là những bé gái 9-12 tuổi, xuất thân trong gia đình văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mặt sáng sủa, ưa nhìn. Hết buổi lễ, "Tướng bà" Thùy Linh được đưa ra ôtô trở về gia đình. Lúc này, "Tướng bà" vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh nguy cơ bị "bắt cóc" bất cứ lúc nào. Những gia đình có con cháu được ngồi trên kiệu là niềm vinh dự của cả dòng tộc. Lễ hội đền Gióng thu hút hàng trăm người tham dự. Lễ hội kéo dài hết tháng Giêng. Theo Quỳnh Trang (Tri Thức Trực Tuyến)