Nghi lễ dâng hương diễn ra trước khi phần hội bắt đầu vào sáng 7/4. Nhân dịp này lễ hội cũng được trao bằng ghi danh của UNESCO công nhận nghi lễ kéo co ngồi là di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Kéo co ngồi là một trong những trò chơi hàng năm thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả tại Lễ hội đền Trấn Vũ ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội). Chương trình diễn ra vào sáng 7/4 (3/3 âm lịch hàng năm). Tương truyền, xưa kia làng Ngọc Trì gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng thì chỉ còn giếng thuộc xóm Đìa còn nước. Trai mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng xóm Đìa lấy nước, bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Thời đó, nước gánh bằng quang làm từ dây song Khi hai bên giằng co nhau, sợ nước đổ nên họ cùng ngồi xuống đất, ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, để ghi nhớ lại hoàn cảnh đó, các cụ trong làng đã tổ chức trò chơi kéo co ngồi, trình diễn trong hội làng. Thông qua đó, người dân cầu cho mưa thuận gió hoà, vụ mùa bội thu. Các chàng trai tham gia thi đấu là những người được tuyển chọn từ trong làng. Họ phải có sức khoẻ, thân hình vạm vỡ và đáp ứng được nhiều điều kiện khắt khe của BTC. Lễ hội có sự tham gia của các "vận động viên" đến từ 3 mạn: mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa. Nam giới cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít dây đỏ. Tổng cờ mặc áo đỏ, khăn đỏ. Trước khi kéo co, 3 mạn mang lễ vật làm lễ trình đức thánh tại sân đền. Mỗi đội kéo có 15, 17 hoặc 19 người tùy từng năm và một Tổng cờ. Nhiệt độ tại Hà Nội sáng nay 31 độ C, khá nóng bức khiến các chàng trai thêm phần vất vả. Điểm độc đáo của lễ hội này là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Trước đó, tháng 12/2015, trò kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên “Nghi lễ và trò chơi kéo co”, do bốn quốc gia Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình. Các màn kéo co vui nhộn đã mang lại niềm vui cho hàng trăm khán giả với những tràng cười lớn vang dội nơi diễn ra lễ hội. Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)