Từ ngày 16/3, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công dân nước ngoài tại Việt Nam cũng như công dân Việt Nam thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng....
Theo ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, ở TP.HCM, tại nhưng nơi tập trung đông người, nơi công cộng, khi tham gia giao thông trên đường, hầu hết người dân đều đeo khẩu trang.
Trong ảnh là người khiếm thị bán hàng rong tuân thủ đeo khẩu trang khi bán hàng ở chợ Bàn Cờ, quận 3.
Nhiều người nước ngoài trước đây vốn 'thờ ơ' với việc đeo khẩu trang, giờ cũng đã tuân thủ rất nghiêm túc.
Tại các tuyến phố trung tâm và nơi đông người của thành phố, hầu hết người nước ngoài đều đeo khẩu trang.
Không có khẩu trang y tế, người dân đeo khẩu trang vải để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Tại siêu thị Mega Market quận 2 - nơi có nhiều người thường xuyên ra vào mua sắm, sáng 17/3, ngay lối vào cửa siêu thị đã có thông báo khuyến cáo người đến siêu thị bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Ngoài quy định đeo khẩu trang, siêu thị này cũng bắt buộc người ra vào phải kiểm tra nhiệt độ, rửa tay.
Nếu khách không thực hiện, nhà bán lẻ sẽ từ chối phục vụ.
Khách nước ngoài đi siêu thị tuân thủ việc đeo khẩu trang.
Lo ngại tình trạng bị lây nhiễm COVID-19, tài xế lái xe grab này đã phải đeo 2 chiếc khẩu trang để đảm bảo an toàn.
Sau khi có thông báo thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người, Bệnh viện Thống Nhất đã áp dụng ngay vào thực tế "không khẩu trang, không vào viện" để phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài quy định đeo khẩu trang, Bệnh viện Thống Nhất còn cho nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ của người ra vào ngay cổng bệnh viện.
Người dân đến Sở Tư pháp TP.HCM làm thủ tục hành chính đều tuân thủ việc đeo khẩu trang.
Hầu hết người dân TP.HCM đồng tình với việc bắt buộc phải mang khẩu trang nơi đông người.
Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)