Chợ Bình Tây (chợ Lớn mới) nằm giữa 4 tuyến đường Tháp Mười - Lê Tân Kế - Phan Văn Khỏe - Trần Bình (quận 6) được xây dựng từ năm 1928, là ngôi chợ lớn và có kiến trúc đẹp nhất ở TP.HCM, nằm trong khuôn viên rộng 25.000 m2. Chợ được thiết kế theo lối kiến trúc Trung Hoa, theo hình bát quái, gồm 12 cổng (cả phụ và chính). Cuối năm 2016, chợ bắt đầu đóng cửa để nâng cấp, sửa chữa. Các tiểu thương phải dọn hàng qua chợ tạm được làm bằng tôn, nằm đối diện cổng chính chợ, dọc đường Tháp Mười. Những hạng mục cải tạo, sửa chữa lại ngôi chợ này gồm thay mới toàn bộ hệ thống rui và lợp lại ngói theo mẫu cũ, sơn lại toàn bộ tường, cột, trần, cải tạo cầu thang, lan can, nâng nền và lát gạch sàn tầng trệt, tầng lầu... Sau một năm chuẩn bị, đến cuối năm 2017 công tác sửa chữa mới được tiến hành. Ngôi chợ 90 năm tuổi này vẫn giữ được các nét kiến trúc cũ với tháp 4 đồng hồ cổ ở 4 hướng, nhiều bức phù điêu rồng, phượng ở các mái... Sau năm 1975, chợ Lớn mới do thương gia Quách Đàm xây dựng được đổi tên thành chợ Bình Tây. Đầu tháng 4/2017, chợ được UBND TP.HCM xếp hạng di tích cấp thành phố. Hiện tại hầu hết hạng mục sửa chữa đã được hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động trở lại vào ngày 15/11. Tổng kinh phí sửa chữa khoảng 104 tỷ đồng, từ ngân sách ngoài Nhà nước - nguồn thu trước tiền sử dụng điểm kinh doanh của các tiểu thương trong 10 năm. Ngôi chợ có kiến trúc đặc biệt với khuôn viên giữa trung tâm cũng được nâng cấp, tạo cảnh quan mới. Đây cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố, mỗi năm có hơn 120.000 khách nước ngoài đến tham quan và mua sắm. Hai cầu thang bộ dẫn lên tầng trên ở cổng chính đường Tháp Mười được xây mới theo kiến trúc nguyên bản, còn các cầu thang khác chỉ cải tạo, sơn mới. Toàn bộ mái ngói khoảng 11.000m2 được lợp mới hoàn toàn. Các bức tường, cột, trần đều được sơn sửa mới. Diện mạo ngôi chợ trở nên sáng sủa, khang trang, hiện đại. Các hạng mục xây dựng mới gồm khu vệ sinh công cộng và nhà đặt máy phát điện dự phòng. Hệ thống thoát hiểm hàng chục thang sắt từ tầng 1 xuống khuôn viên được sơn, sửa mới hoàn toàn. Ngoài ra, hệ thống PCCC, camera an ninh được thay mới toàn bộ, lắp nhiều ở các khu vực để đảm bảo an toàn khi tiểu thương trở lại buôn bán. Sau khi hoàn thành sửa chữa và bàn giao, ngày 1/11, ban quan lý chợ gọi tiểu thương tới bàn giao sạp. Hai bên từ cổng chính vào gắn hai bảng sơ đồ vị trí của các sạp, khu vực văn phòng, nhà vệ sinh... tầng trệt và tầng 1. Ngôi chợ này có hơn 1.400 sạp hàng buôn bán các loại hàng hóa. Sau khi nhận sạp mới, nhiều khu vực các tiểu thương bắt đầu lắp đặt, đóng kệ mới để chuẩn bị chuyển hàng hóa vào. Từng nhóm công nhân mang theo máy móc, những thanh thép hàn thành khung làm kệ để hàng cho các sạp gần nhau. Những tấm gỗ làm kệ hàng liên tục được vác lên. Không khí làm việc khá khẩn trương. Hầu hết tiểu thương cho biết sau khi hoàn thành lắp kệ, lắp điện thoại, quạt... sẽ dọn hàng vào để sẵn xong trước ngày mở cửa. Anh Nguyễn Văn Chế, người được thuê lắp kệ hàng, cho biết hôm nay đã có gần 20 sạp đặt nhóm anh thi công. "Ngày đầu tiên chỉ có 3 người nên làm không xuể, từ mai chúng tôi phải tăng cường thêm người để kịp giao cho chủ sạp họ đưa hàng vào. Sắp tới nhiều tiểu thương sẽ mướn nữa nên phải làm liên tục", anh này cho hay. Không gian bên trong chợ trở nên mới hẳn sau một thời gian sửa chữa. Các sạp đều được sửa lại cửa, lát nền, sơn mới tường, lắp lại hệ thống điện, dây điện thoại bàn, Internet... Ngay sau khi nhận sạp, bà Phương thuê người chuyển những tấm ván cũ tới để lắp kệ cho sạp bán khăn lau của mình. "Thời gian qua bán ở chợ tạm vừa nóng, chật vừa ế khách. Chuẩn bị được trở lại ngôi chợ 20 năm đã bán ở đây, tôi vui lắm, hy vọng chợ mới sửa sẽ hút nhiều khách. Sau khi làm xong kệ tôi sẽ chuyển hàng vào đặt rồi chờ đến ngày mở cửa bán lại", tiểu thương 66 tuổi này chia sẻ. Sau một ngày thi công, nhiều sạp đang hoàn thành những chi tiết cuối. Anh Trần Thế Học, quận 6 cùng người nhà gắn những thanh sắt V thành kệ để giày, dép. "Đây là mặt hàng gia đình tôi bán ở hai sạp đối diện nhau, khi thi công phải mang hàng để thử cho vừa mới gắn. Toàn bộ diện tích 2 sạp chỉ 10m2 nhưng cũng tốn đến 5 triệu tiền vật liệu để trưng bày hàng", chủ sạp này cho biết. Các cơ sở làm bảng hiệu cũng đặt những mẫu bảng khác nhau như meka, alu, phông trong chợ để tiểu thương đăng ký thông tin. Những bảng hiệu này được làm với giá từ 500 - 1,5 triệu đồng tùy vào loại và diện tích. Một số dãy sạp phía sau chợ ở cả hai tầng chỉ lác đác vài tiểu thương đo đạc, lắp kệ, phần lớn vẫn đang đóng cửa, chưa nhận bàn giao. Theo Lê Quân (Tri Thức Trực Tuyến)