Căn nhà sàn của gia đình chị Đinh Thị Hôn nằm trên đỉnh đồi ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên (huyện vùng cao Sơn Tây). Lãnh đạo xã Sơn Liên xác nhận chị Hôn là "người mẹ đặc biệt" nhất ở địa phương. Nhân viên y tế về tận buôn làng khám thai cho sản phụ Hôn. Mới tròn 30 tuổi nhưng bà mẹ người dân tộc Kadong này đã trải qua 5 lần "vượt cạn" và đang mang bầu (7 tháng tuổi) đứa con thứ 6. Cuộc sống khó nghèo, ăn uống thiếu thốn, người mẹ này lo lắng về sức khỏe trong lần sinh đứa con thứ 6 này. "Năm 13 tuổi tôi gặp Bôn trong lớp xóa mù chữ ở làng rồi quen nhau. 14 tuổi mình thấy ưng cái bụng rồi xin cha mẹ lấy anh ấy làm chồng, đến năm 15 tuổi thì sinh con trai đầu lòng", chị Hôn kể. Đôi vợ chồng trẻ đặt tên cho 5 đứa con dựa theo sở thích bài hát hoặc yêu mến diễn viên sau khi xem phim Hàn Quốc trên tivi. Đứa con trai đầu tên là Đinh Tony (13 tuổi, học lớp 7), rồi đến Đinh Chapy (11 tuổi, lớp 4), Đinh Hoàng Y(9 tuổi, lớp 3), Đinh Thị Y Gái (6 tuổi, lớp 1), Đinh Kim Dong E (4 tuổi) và đang mang thai đứa thứ 6. Sau khi sinh đứa con thứ 3, chị Hôn đến Trạm y tế xã đặt vòng. Do không thích ứng với việc đặt vòng nên bụng quằn quại đau, sốt cao, chị đành tháo vòng ra rồi lại "dính bầu". Từng sống ở xóm làng dưới thấp nhưng đến năm 2009, gia đình chị phải di dời nhà cửa lên ở khu tái định cư, nhường đất xây dựng công trình thủy điện Đăkđrinh. Những trận mưa lũ liên tiếp gây sạt lở làm hỏng nhà, vợ chồng chị cùng con cái tiếp tục di dời đến nơi mới trên quả đồi cao ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên. Do ở cách xa khu dân cư, hàng ngày chị phải mang can nhựa đi lấy nước suối về nấu ăn. Cuộc sống khó khăn, quanh năm suốt tháng, anh Bôn phải đi phát rẫy, thu hoạch keo thuê để kiếm tiền mua gạo nuôi con qua ngày. Bữa trưa của gia đình chỉ có nồi cơm nấu từ gạo rẫy, canh rau rừng, vài con cá khô. Bé trai Đinh Kim Dong E (4 tuổi) được mẹ đặt tên phỏng theo tên diễn viên Hàn Quốc. Với người mẹ trẻ này, giai đoạn mang thai ở nhà nghỉ dưỡng mới có thời gian chăm sóc con cái. Ông Nguyễn Văn Nhất, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Liên, cho hay trải qua 5 lần sinh con, chị Hôn đều nhờ bà mụ ở làng hỗ trợ đỡ đẻ tại nhà. "Các cháu ra đời, lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn nên đều suy dinh dưỡng so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi", ông Nhất nói. Do nhà ở biệt lập trên đồi cao, hàng ngày những đứa con của chị Hôn phải băng rừng, vượt đường dốc núi hiểm trở để đến trường. Những đứa trẻ ra đời trong điều kiện thiếu thốn "cơm không đủ no, áo không đủ mặc", mùa đông phải chịu cảnh giá rét. Cậu bé Đinh Chapy (11 tuổi), con trai thứ hai của vợ chồng chị Hôn. Sau nhiều lần sinh con, người mẹ trẻ ám ảnh, sợ hãi nhất là vào tháng 2/2007, trong lúc chồng lái xe máy chở đi công việc thì bị trượt ngã. "Lúc đó tôi mang thai đến tháng thứ 7 nên bị ngã xuống đường bụng đau đớn dữ dội, sau đó đẻ non. May mắn là mẹ tròn con vuông, con trai lớn lên khỏe mạnh được đặt tên là Chapy", chị thuật lại. Căn nhà sàn trống trơn không có tài sản gì giá trị, đêm về những đứa con ngủ cùng nhau trên tấm chiếu thế này. Theo người dân thôn Nước Vương (xã Sơn Liên), thương những đứa trẻ nheo nhóc thiếu đói, họ thường xuyên cho vợ chồng chị Hôn mượn gạo nấu ăn qua ngày đợi đến khi anh Bôn đi làm thuê có tiền trả lại sau. Người mẹ trẻ cũng cam kết sau khi sinh đứa con thứ 6 này sẽ đi đình sản, không đẻ thêm nữa. Theo Minh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)