"Hầu đồng Tứ phủ" là dự án của nhóm NextGEN Hà Nội, được thực hiện từ tháng 6-9/2019, với mục đích giúp những người trẻ tiếp cận, hiểu rõ hơn về văn hóa hầu đồng theo cách mới mẻ và khoa học. Dự án bao gồm triển lãm nghệ thuật và buổi trình diễn tái hiện nghi thức hầu đồng.
Triển lãm "Hầu đồng Tứ phủ" là một chuỗi hình ảnh, clip, tranh vẽ và dụng cụ sử dụng trong nghi lễ Hầu đồng, mô tả chân thực nét đẹp tín ngưỡng qua nhiều lăng kính khác nhau. Hầu đồng được hiểu là một nghi lễ tối quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Quan niệm khá phổ biến hiện nay mỗi khi nhắc tới nghi lễ này, là cụm từ "bọn Hầu đồng", là "đồng cô bóng cậu", con trai giả gái trang điểm điệu đà, đàn bà mạnh mẽ, ngồi chân chữ ngũ tu rượu hút thuốc như một ông quan.
Với những ai từng được chiêm ngưỡng hầu đồng, ấn tượng nhất có lẽ là những bộ khăn áo mang đầy màu sắc, những đường thêu họa hình mang dáng dấp cổ xưa. "Khăn chầu, áo ngự" là một trong những vật phẩm không thể thiếu của các thanh đồng (có thể là đàn ông hay đàn bà).
Mỗi thanh đồng sẽ có một bộ khăn áo riêng gọi là áo bản mệnh - khăn bản mệnh của chính mình. Ngoài ra, khi lên đồng, họ cũng sẽ thay những bộ trang phục khác nhau thể hiện đặc điểm của các vị thánh khi ngự đồng. Mỗi bộ khăn áo thường đại diện cho một vị thánh, một giá hầu với những đặc điểm về màu sắc, họa hình, dáng vẻ. Màu đỏ đại diện cho thiên phủ (trời), màu xanh lục là nhạc phủ (rừng), màu trắng cho thoải phủ (nước) và màu vàng cho địa phủ (đất).
Với mong muốn đưa người xem về quá khứ, dự án "Hầu đồng Tứ phủ" đã tái hiện lại một buổi hầu đồng, tại đền Bà Chúa Kho (Hà Nội). Hầu đồng là hình thức giao tiếp giữa cõi trần và cõi thần linh, người hầu đồng diễn lại quá trình hiển Thánh, đời sống của vị Thánh đó trong một giá hầu.
Thanh đồng có thể là đàn ông hay đàn bà, nhưng khi lên đồng họ sẽ diễn xướng lại tất cả giá đó. Một người đàn ông trang điểm, mặc váy, đeo trang sức múa rất dẻo trong các giá. Hay một người phụ nữ đầy mạnh mẽ mặc áo bào, múa đao.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tín ngưỡng Hầu đồng đã bị khoác chiếc áo "mê tín dị đoan", một thời gian dài bị cấm đoán và mai một. Tuy đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng Hầu đồng đang dần bị biến tướng và tác động xấu không chỉ đến đời sống văn hóa tâm linh mà còn về cách nhìn nhận từ xã hội lên cộng đồng LGBTQ.
Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) bên cạnh Thanh Đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt...
Sau khi khăn áo đã mặc chỉnh tề, vị thánh bắt đầu đứng dậy làm lễ, quay ra cử tọa (những người ngồi xem) làm các nghi thức khác, chủ yếu là múa các điệu múa của giá mình. Trong lúc Thanh Đồng đang hoá thân thì bốn phụ đồng ngồi quỳ chân ở dưới cũng nghiêng ngả và múa máy hưởng ứng Thanh Đồng theo nhịp câu hát. Các điệu múa này nhằm ra oai, hay thể hiện sự vui vẻ làm việc thánh và cũng là cùng vui với cử tọa. Có thể nói Hầu đồng là một bảo tàng sống, bảo tồn các loại múa cổ truyền của người Việt, trên thực tế rằng múa cổ truyền của Việt Nam không thực sự phát triển.
Những nắm tiền lẻ sau khi được Thanh Đồng tung ra, ban phát cho những người xung quanh được coi là tiền lộc và được những người đứng xem xung quanh nhặt lấy, cất giữ để lấy may.
Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động lên đồng rất phổ biến ở miền Bắc và miền Trung, tương đối kém phổ biến ở miền Nam, song do một thời gian dài bị cấm đoán và mai một, hoạt động này ngày nay thường có nhiều chỗ sai biệt, thậm chí là lệch lạc phản cảm, méo mó hình ảnh của tín ngưỡng.
Một số khác lợi dụng việc lên đồng để kiếm chác mua thần bán thánh, làm mất đi vẻ đẹp đáng có của tín ngưỡng. Đặc biệt hơn việc này đang ngày càng phổ biến tạo điều kiện cho cò mồi, môi giới có các điều kiện để thực hiện các hành vi lừa đảo...
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)