Sau 7 lần trùng tu, Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không sửa chữa, công trình biểu tượng này dễ có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Chùa Cầu được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XVII. Hơn 400 năm qua, kết cấu đặc biệt của công trình này trở thành niềm tự hào và tài sản vô giá đối với Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư TP Hội An cho hay, dù đã được đầu tư tu bổ 7 lần nhưng hiện nay di tích đã xuống cấp trầm trọng. |
|
"Kết cấu khung bao gồm hệ cột, giằng và vì kèo cơ bản còn đủ khả năng chống đỡ trong điều kiện bình thường và chịu được tải trọng bản thân kết cấu. Tuy nhiên có nhiều bộ phận kết cấu bị rạn nứt, mục, các mối nối, liên kết bị cong vênh, nhả mộng và không đảm bảo chắc chắn", ông Sự cho hay. |
|
Nguyên lãnh đạo thị xã Hội An cho hay, dù đã qua nhiều lần sửa chữa nhưng phần thượng bộ của cầu hầu như vẫn còn nguyên, chưa chịu sự tác động nhiều của con người. Những nét tinh xảo trong từng viên ngói vẫn còn như xưa. |
|
Năm 2006, do bão làm tốc một số viên ngói ở phía đông của cầu nên TP Hội An đã thay một số viên mới. |
|
Phần mái ngói bên trong của Chùa Cầu vẫn còn nguyên. Mới đây, trong một hội thảo bàn về cây cầu này, nhiều nhà Khoa học đã đưa ra giải pháp là hạ giải toàn bộ Chùa Cầu để trùng tu. |
|
Tuy nhiên, ý kiến này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người làm quản lý di tích. Theo họ, khi chưa đưa ra được thiết kế chi tiết, bản vẽ và kể cả nguyên vật liệu thay thế thì không nên hạ giải cây cầu có niên đại 400 năm tuổi này. |
|
"Nếu hạ giải thì mình có thể làm cho cầu vững trãi, không lo sập. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì có nguy cơ cây cầu này sẽ bị làm mới. Nét cổ xưa làm nên đặc trưng của Chùa Cầu sẽ biến mất", ông Sự lo ngại. |
|
Theo Ban quản lý di tích TP Hội An, trung bình mỗi tháng có hàng nghìn du khách đến tham quan Chùa Cầu. Lý do cây cầu này thu hút du khách trong và ngoài nước vì bên cạnh nét độc đáo về kiến trúc, nó còn mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của người Á Đông. |
|
Nằm trong cầu còn có chùa. Du khách đến đây ngoài việc ngắm TP Hội An ở phía bên kia sông Hoài, họ còn thắp hương để thỏa mãn sự tín ngưỡng. |
|
Lai lịch của ngôi chùa này gắn liền với truyền thuyết quái vật Namazu (còn gọi là con Cù) - một thủy quái trong truyền thuyết của Nhật Bản. Con quái thú có đầu nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam, còn đuôi thì chạy tuốt sang Nhật. Vậy nên mỗi lần nó cựa mình, thảm họa như lũ lụt, động đất... sẽ xảy ra. Do đó, ngôi chùa được xây với ý nghĩa giống một thanh kiếm chắn ngang lưng Namazu, ngăn không cho nó cựa mình, giúp cuộc sống người dân của... cả 3 quốc gia bình yên hơn (tất nhiên là chỉ về mặt tâm linh). |
|
Bên trong chánh điện của chùa, nhiều vị trí đã bị bong tróc mặt sàn. Mối mọt cũng cắn hỏng nhiều lớp gỗ. |
|
"Nhiều bộ phận kết cấu mố trụ bị rạn nứt, đặc biệt phần đáy móng của các trụ bị xói lở khá nguy hiểm. Sự thay đổi đáng kể tần số và chu kỳ dao động của các kết cấu cho thấy sự xuống cấp của các kết cấu đang diễn ra với tốc độ khá nhanh và đáng báo động", PGS.TS Nguyễn Xuân Toản-Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết. |
|
Một số mối nối giữa các trụ cột và kèo của Chùa Cầu bị nứt toác. Theo khảo sát của các nhà khoa học, nếu không kịp thời sửa chữa, trùng tu thì cây cầu này có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hiện chưa có một giải pháp tối ưu nào để khắc phục sự xuống cấp nhưng vẫn giữ được nét nguyên bản của cây cầu. |
Theo Đoàn Nguyên (Zing.vn)