Làng nghề truyền thống tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) với hơn 100 năm gắn bó với nghề. Đến tận bây giờ, dường như đây như là một thói quen mỗi sáng thức dậy mà theo người dân nơi đây nói đùa rằng: “Đi đâu không có mùi hương là thiếu”.
Theo lịch sử các cụ kể lại, khi xưa nghề làm hương và tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu chỉ tập trung ở thôn Phú Lương Thượng. Nhưng về sau đã được mở rộng ra 5 thôn còn lại của xã: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú.
Ban đầu chỉ là nghề phụ, công việc chính vẫn là làm nông, nhưng do nhu cầu, sản phẩm được ưa chuộng, nghề này phát triển mạnh, trở thành nghề chính, thu hút 70% số hộ dân tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính cho gần 3.000 hộ.
Nguyên liệu và quy trình làm ra được hương tăm cũng rất kì công, nếu quan sát hành trình 1 que hương ra đời chắc cũng phải mất rất nhiều thời gian, bởi nó rất nhiều công đoạn và công phu. Những người thợ cũng cần phải tỉ mỉ thì mới có được sản phẩm tốt. Bởi người dân quan niệm, tăm hương là thứ linh thiêng nên không được làm cẩu thả.
Từ những cây nứa, cây vầu được chuyển về từ khắp các tỉnh như: Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn… Rồi phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng, sau đó vớt lên bổ, chẻ.
Với tăm hương xuất khẩu, nguyên liệu nhất thiết phải là cây vầu, vì dễ cháy nhưng lại đọng tàn, không bị gãy. Loại tăm hương này phải được chẻ bằng máy thì thân tăm mới đảm bảo độ đều, tròn, bóng.
Tiếp đó máy móc sẽ tạo ra những que hương tròn đều. Từ những cây hương trắng được nhúng qua lớp nhuộm màu, bỗng hóa thành màu đỏ rực rỡ một cách kỳ diệu, khiến ai nhìn vào cũng cuốn vào nó. Đặc biệt hơn là khi phơi chúng ra nắng, màu đỏ chót cộng với màu nắng vàng ươm khiến cho quãng đường quanh 6 thôn xã Quảng Phú Cầu rực rỡ đến nhường nào.
Đặc biệt vào những dịp Tết, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, những xưởng sản xuất tại Quảng Phú Cầu càng gấp rút sản xuất hàng loạt để kịp cung ứng ra thị trường.
Trong những ngày cận tết, đường làng hướng về Quảng Phú Cầu đón xe máy, ô tô tấp nập vào làng. Mỗi ngày cả xã sản xuất ra khoảng 70 tấn sản phẩm để cung ứng trong dịp Tết. Huy động mọi nhân công để gấp rút hoàn thành cho kịp nhu cầu trước tiên của bà con người Việt.
Anh Nguyễn Hữu Long, chủ một cơ sở làm tăm hương tại Quảng Phú Cầu chia sẻ: "Những tháng giáp Tết xã rất bận. Mỗi nhà ít thì ngày làm tới 700-800kg tăm hương, nhà nhiều thì lên đến vài tấn”.
Còn anh Nguyễn Văn Mừng cũng hồ hởi cho hay: "Những năm trước tăm hương được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ thì người lao động sản xuất tăm hương ít nhất được 7-8 triệu đồng/tháng. Từ đó mà cuộc sống ổn định hơn, Tết cũng rôm rả và no đủ hơn.”
Tuy nhiên, 1,2 năm trở lại đây, việc xuất khẩu có vẻ chững lại, nhưng không vì thế mà các dịp lễ, Tết các hộ sản xuất ít đi. Vì việc cung ứng ra thị trường trong nước cũng đủ khiến những người dân làng nghề hơn 100 tuổi này hy vọng và ước vọng cho một mùa xuân tươi mới.
Theo Lê Liên (Nguoiduatin.vn)