"Nền kinh tế Nga đang chịu cú sốc và có những hậu quả tiêu cực. Đây là điều chưa từng có tiền lệ, chưa có cuộc chiến kinh tế nào nhằm vào Nga như vậy. Rất khó để dự đoán", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Vị quan chức Nga mô tả tình hình hiện nay rất biến động, nhưng khẳng định Moscow đang áp dụng những biện pháp nhằm bảo đảm ổn định và hạn chế tối đa tác động từ các đòn trừng phạt của phương Tây.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, các doanh nghiệp Nga đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo tài chính cho các hợp đồng bán dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu vào tháng 4 tới, song khẳng định có thể giải quyết được vấn đề này.
Ngày 8/3 vừa qua, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi một số công ty dầu mỏ phương Tây, như Shell, tuyên bố sẽ ngừng mua dầu của Nga.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa tác động đến sản lượng khai thác của Nga, khi số liệu mới nhất mà Nhật báo Kommersant dẫn nguồn Bộ Năng lượng Nga đăng tải cho thấy sản lượng dầu vẫn tiếp tục tăng 55.000 thùng/ngày lên 11,1 triệu thùng/ngày.
Sản lượng của tập đoàn Rosneft, doanh nghiệp sản xuất dầu lớn nhất của Nga, vẫn ở mức 3,4 triệu thùng/ngày.
Mặc dù sản lượng dầu vẫn có xu hướng tăng, song một số nhà sản xuất của Nga gặp khó khăn trong việc bán hàng.
Các chuyên gia phân tích tại công ty Rystad Energy có trụ sở ở Oslo (Na Uy) nhận định Nga có thể sẽ buộc phải ngưng sản xuất dầu thô nếu các lệnh trừng phạt được mở rộng.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky hôm 9/3 tuyên bố Moscow sẽ phản ứng "nhanh chóng, có tính toán và gây tổn thương cho bên chúng tôi nhắm vào".
Trong khi hôm 5/3, Điện Kremlin chỉ trích phương Tây hành xử như "kẻ cướp" khi cắt các mối quan hệ kinh tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 8/3 ký sắc lệnh hạn chế hoặc cấm nhập khẩu và xuất khẩu một số sản phẩm và nguyên liệu thô do chính phủ quy định nhằm đảm bảo an ninh Nga. Sắc lệnh về "các biện pháp kinh tế đặc biệt" này sẽ có hiệu lực đến ngày 31/12.
Nga nhiều lần nhấn mạnh nền kinh tế sẽ thích ứng với tình hình mới và lệnh trừng phạt không khiến họ thay đổi lập trường về Ukraine.
Phương Tây tiếp tục gia tăng áp lực về kinh tế khi vào hôm 11/3, Tổng thống Mỹ Biden thông báo nước này và các đồng minh NATO, G7, EU sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine
"Mỹ và các đồng minh, đối tác của chúng tôi tiếp tục gia tăng áp lực kinh tế đối với ông Putin và tiếp tục cô lập Nga trên trường toàn cầu", Tổng thống Biden tuyên bố.
"Đây tiếp tục là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của chúng tôi", ông Biden nhấn mạnh.
Ông Biden cũng thông báo Mỹ cấm nhập khẩu rượu vodka, kim cương và hải sản từ Nga, đồng thời cấm xuất khẩu hàng xa xỉ Mỹ sang nước này và Belarus.
Đối xử tối huệ quốc (MFN) là nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó một nước thành viên phải dành sự đối xử như nhau cho mọi thành viên WTO khác, không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển.
Việc bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga mở đường cho Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga.
Ông Biden nhấn mạnh động thái được Mỹ đưa ra cùng với các đồng minh NATO, G7 và EU. Mỗi nước dự kiến thực hiện biện pháp bãi bỏ dựa trên các quy trình quốc gia của riêng mình.
Tại Mỹ, quy chế tối huệ quốc có tên gọi chính thức là Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR). Việc xóa bỏ quy chế này với Nga đòi hỏi được quốc hội thông qua, nhưng các nhà lập pháp ở cả lưỡng viện đều đã thể hiện rằng họ sẽ ủng hộ.
Các lệnh trừng phạt sâu rộng, chưa từng có đối với các ngân hàng và giới tinh hoa Nga, cùng lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với hàng loạt công nghệ, đang gây áp lực cho nền kinh tế nước này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán Nga sẽ rơi vào "suy thoái sâu" trong năm nay.
Theo Việt Hùng (An Ninh Thủ Đô)