Khi bước chân vào lĩnh vực ngân hàng, ông Trầm Bê đã rót hàng chục tỷ đồng về quê để xây chùa Vàm Rai, cách dinh thự của gia đình khoảng 1 km.
|
Ông Trầm Bê xây dựng dinh thự lớn nhất tỉnh Trà Vinh tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú (Trà Vinh). Nơi này cách cửa biển Định An khoảng 7 km về hướng Trà Vinh. |
|
Mái tòa nhà chính của dinh thự có năm chóp. Khuôn viên xung quanh rộng với rất nhiều cây cảnh quý trị giá tiền tỷ. Ảnh: CTV. |
|
5 năm trước, chuyện ông Trầm Bê bị mất sừng tê giác trong dinh thự ở quê nhà xã Hàm Tân đã khiến dư luận cả nước xôn xao. Đến cuối năm 2012, vụ án mất sừng tê giác bị chìm vào quên lãng và công an cũng không tìm ra được thủ phạm. Ảnh: CTV. |
|
Chiều 3/8, phóng viên Zing.vn có mặt tại dinh thự của ông Trầm Bê. Người quản lý dinh thự là một phụ nữ từ chối không cho người lạ vào. Bên trong khu dinh thự có vài công trình được sửa chữa nên khoảng 18h có vài người thợ xây đi ra. |
|
Cánh cổng đơn giản trước khu dinh thự của ông Trầm Bê, cách UBND xã Hàm Tân khoảng 1 km. Hàng xóm cho biết vài tháng ông Trầm Bê mới về đây 1-2 ngày rồi trở lại Sài Gòn. |
|
Cách nhà ông Trầm Bê khoảng 700 m có chùa Vàm Rai, lớn nhất huyện Trà Cú (Trà Vinh). Cổng chùa, chánh điện, tượng Phật và nhiều công trình trong chùa được sơn son thếp vàng. |
|
Ông Châu Khương, Phó ban Quản trị chùa Vàm Rai, cho biết lúc mới bước chân vào Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê đã đầu tư vốn về quê nhà để xây chùa Vàm Rai. |
|
"Bên cạnh tượng Phật nằm trị giá 12,5 tỷ, chánh điện trên dưới 10 tỷ, cổng chùa gần 4 tỷ, ông còn xây tượng Phật đản sanh, cột cờ... cộng lại trên 40 tỷ đồng. Ngoài chùa Vàm Rai, ông Bê còn xây chánh điện 6 chùa khác trong tỉnh Trà Vinh, một chùa ở Vĩnh Long và ở Campuchia có một chùa. Bình quân, kinh phí xây chánh điện khoảng 6-7 tỷ đồng, đó là chưa kể đến đóng góp xây tăng xá, trường học ...", ông Châu Khương nói với Zing.vn. |
|
Sau 4 năm xây dựng, ngày 9/9/2008, chánh điện chùa Vàm Rai hoàn thành và tên của vợ chồng ông Trầm Bê được khắc lên tường ở vị trí trang trọng nhất. Trong đó, ông Trầm Bê có pháp danh Tắc Hậu và pháp danh vợ ông là Tắc Lượng. |
|
Một bên hông tường khu chánh điện có tên của 3 người con ông Trầm Bê. Họ cũng có pháp danh trong ngôi chùa này là Tắc An, Tắc Phượng và Tắc Cần. |
|
Bức tường thứ 3 của chánh điện là tượng bán thân cha, mẹ quá cố của ông Trầm Bê. |
|
Bức tường còn lại là lối lên chánh điện từ phía sau có in hình vợ chồng Trầm Bê và các con. |
|
Với sự "phát tâm" của ông Trầm Bê, đại gia ngân hàng đã ghi dấu ấn tại chùa Vàm Rai. Trong khu nhà ở và làm việc của phó trụ trì cũng có hình của gia đình ông Trầm Bê. |
|
Chiếc giường gỗ vợ chồng ông Trầm Bê tặng chùa Vàm Rai năm 2003. |
|
Gần chùa Vàm Rai, gia đình ông Trầm Bê có một khu vườn trồng nhiều cây cảnh. Trong đó có cây được cho là trị giá vài tỷ đồng. |
|
Trong khu vườn cây cảnh, ông Bê xây hồ nuôi cá hải tượng. Trẻ em trong vùng rất thích đến đây chơi để được xem cá, hóng mát. |
|
Chùa Vàm Rai (chấm đỏ) ở xã Hàm Tân, được tách ra từ Hàm Giang. Ảnh: Google Maps. |
Ông Trầm Bê sinh năm 1959 tại Trà Vinh, là cử nhân quản lý doanh nghiệp. Trước khi giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, ông Trầm Bê từng giữ chức Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank). Tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc chính thức chấm dứt vai trò quản trị điều hành của ông Bê và con trai tại Sacombank. Nghe ông Trầm Bê bị bắt, nhiều đại gia ở Sóc Trăng vẫn không tin vì vài tháng trước ông này đến xã Lịch Hội Thượng của huyện Trần Đề để mua hàng chục ha đất nuôi tôm. |
Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)