Sát thủ vô hình
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói mù cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người Ấn Độ mỗi năm và thủ đô New Delhi bị ô nhiễm không khí nặng nhất trong số các thành phố lớn trên toàn cầu.
Cứ vào tháng 11, khi làn khói mù màu xám phủ lên thành phố 20 triệu người, các phòng khám bệnh viện tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân trong tình trạng khó thở.
“Không khí ở Delhi giống như án tử hình cho anh ấy”, bác sĩ Srinivas K. Gopinath, chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực tại bệnh viện Sir Ganga Ram, New Delhi, nói về tình trạng của bệnh nhân Kumar. Bác sĩ Gopinath lo sợ người bệnh vừa thoát khỏi lao phổi giờ lại rơi vào tay một sát thủ vô hình khác.
Khí lạnh giữ cho các tác nhân gây ô nhiễm lơ lửng gần mặt đất, trong đó có PM2.5, loại bụi siêu vi có thể xâm nhập vào phổi và máu. Chỉ số PM2.5 ở Delhi thường cao gấp 30 lần ngưỡng giới hạn an toàn.
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thường rơi vào mùa lễ Diwali, lễ hội truyền thống lớn nhất Ấn Độ. Đây là lúc khói từ hoạt động đốt hàng triệu cây pháo hoa ăn mừng lễ hội trộn lẫn với khí thải từ phương tiện giao thông, nhà máy, bụi xây dựng và khói đốt rơm rạ. Chỉ số các tác nhân ô nhiễm có thể cao tới mức thiết bị đo không thể ghi nhận.
Dự kiến anh Kumar được xuất viện vào ngày 7/11, đúng vào dịp lễ hội diễn ra.
“Trong bệnh viện, chất lượng không khí được bảo đảm, nhưng một khi anh ấy bước ra bên ngoài, không khí ô nhiễm sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của anh ấy”, bác sĩ Gopinath nói.
“Sức đề kháng của bệnh nhân rất yếu. Anh ấy chỉ còn một lá phổi quý giá. Hãy cứ thử tưởng tượng bạn phải đương đầu với bầu không khí tồi tệ chỉ nhờ duy nhất một lá phổi xem?", ông chia sẻ.
“Những lá phổi đen”
Tuy nhiên, Kumar không phải là nạn nhân duy nhất của ô nhiễm không khí. Trẻ em, người cao tuổi và những người mắc bệnh về hô hấp như hen suyễn là bộ phận dân số chịu hậu quả lớn nhất từ tình trạng khói mù.
Báo cáo của WHO hồi tháng 10 cho thấy mỗi năm có hàng chục nghìn trẻ em tử vong do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Trẻ em có nhịp thở nhanh hơn người lớn, do đó, lượng không khí độc hại được đưa vào cơ thể nhiều gấp hai lần số lượng người lớn tiếp nhận. Theo bác sĩ, lượng khí đó sẽ dần hủy hoại cơ thể các em.
“Trong ngày đầu chào đời, một đứa trẻ ở Delhi hít vào lượng không khí ô nhiễm tương đương với việc hút 20-25 điếu thuốc lá”, bác sĩ phẫu thuật phổi Arvind Kumar cho biết.
Nhiều năm qua, ông tham gia vận động không biết mệt mỏi nhằm nâng cao nhận thức về mối đe dọa từ ô nhiễm không khí. Hồi tháng 10, WHO cho rằng vấn đề này cũng nghiêm trọng như nạn dịch thuốc lá.
Cuối tuần, bác sĩ Kumar đã yêu cầu lắp đặt mô hình lá phổi nhân tạo khổng lồ gắn bộ lọc để tuyên truyền về ảnh hưởng tàn phá của khói mù. Nhiều bệnh nhân ông khám chữa có vết mô sẹo do hít thở không khí ở Delhi từ khi sinh ra.
“Họ không hút thuốc, nhưng cũng có lá phổi đen. Những vết đen thậm chí xuất hiện ở phổi của cả thanh thiếu niên. Thật đáng sợ”, AFP dẫn lời bác sĩ.
Mặc dù các nỗ lực của chính quyền nhằm giải quyết tình trạng khói mù vẫn được áp dụng mỗi khi mùa đông đến, nhưng chúng đều không hiệu quả. Một số các biện pháp đó là cấm thi công, cắt giảm phương tiện giao thông và nghiêm cấm sử dụng máy phát điện dùng dầu diesel.
Những giải pháp mang tính dài hạn hơn lại càng khó đạt được trong lúc chính quyền các bang từ chối phối hợp để xử lý nguyên nhân gốc rễ của cơn khủng hoảng, đơn cử như tình trạng nông dân đốt rơm rạ ở vùng ngoại ô New Delhi.
Theo bác sĩ Kumar, ô nhiễm cần được giải quyết từ gốc rễ. “Tất cả những thứ khác đều là lừa phỉnh vô nghĩa”, ông nói.
Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)