Ngày 7/12, trên cửa sổ của một tòa chung cư tại Marseille, Pháp, áo khoác vàng được người dân treo lên, một ngày trước khi cuộc đại biểu tình được dự báo diễn ra. Đây là biểu tượng của cuộc biểu tình phản đối tăng giá xăng nổ ra từ tháng 11. Dù Tổng thống Emmanuel Macron nhượng bộ và đình chỉ việc tăng giá xăng, phong trào biểu tình đã lan rộng ra nhiều khía cạnh xã hội và người dân cũng đề ra những yêu cầu lớn hơn, trong đó có yêu cầu tăng lương và đòi ông Macron phải từ chức. Học sinh, sinh viên cũng tham gia biểu tình phản đối cải cách giáo dục. Trong ảnh, học sinh trung học tại Paris biểu tình hôm 7/12. Thành phố Paris giờ trông giống như đang chuẩn bị "đón" một cơn bão lớn khi các chủ kinh doanh cho đóng ván gỗ lên cửa tiệm. Lo sợ bạo loạn, hàng trăm cửa hàng đã lên kế hoạch đóng cửa trong ngày 8/12. Theo AP , họ thà mất đi một ngày kinh doanh trong dịp lễ hội còn hơn phải chứng kiến cửa hiệu bị đập phá và "hôi của" như sự việc cách đây một tuần. Người biểu tình tự lập chốt chặn trên nhiều con đường. Trong ảnh, nhóm biểu tình chiếm giữ bùng binh tại Nice hôm 7/12. Vào ngày 8/12, tháp Eiffel, các bảo tàng nổi tiếng như Louvre, Orsay và Grand Palais cũng sẽ đóng cửa. Nhiều hoạt động văn hóa như lễ hội âm nhạc, hòa nhạc tại thủ đô Paris đã bị hủy. Biểu tình sục sôi tại nước Pháp trong suốt một tuần qua và Paris chứng kiến cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất thập niên. Trong ảnh, biểu ngữ "Một trường học khác = Một xã hội khác" của cuộc biểu tình do học sinh tiến hành. Giới chức cho biết đã điều động xe bọc thép và hàng nghìn cảnh sát trên khắp đất nước để bảo đảm an ninh. Riêng tại Paris có tới 8.000 cảnh sát được huy động. Đây là lần đầu tiên lực lượng an ninh được điều động trên quy mô lớn tại khu vực thành thị của Pháp từ năm 2005. Thủ tướng Edouard Philippe đã tuyên bố chính phủ sẽ huy động các biện pháp an ninh “đặc biệt hiếm có” để đối phó với phong trào biểu tình. "Những phương tiện này rất hiệu quả để bảo vệ các tòa nhà", Stanilas Gaudon, người đứng đầu liên đoàn cảnh sát nhắc tới các xe bọc thép được điều động. "Khi chúng được sử dụng như các rào chắn, chúng tôi có thể nhanh chóng phong tỏa khu vực và tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động". Việc siết chặt an ninh sẽ đặt thủ đô Paris vào tình trạng gần như phong tỏa toàn bộ. Giới chức lo ngại những kẻ gây rối sẽ tham gia vào phong trào "áo khoác vàng", vốn là một cuộc biểu tình ôn hòa, và gây ra bạo loạn cùng thiệt hại nặng nề như một tuần trước. Cảnh sát đã dỡ bỏ tất cả vật dụng trên phố có thể được sử dụng làm vũ khí, đặc biệt tại những nơi thi công tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và khu vực đại lộ Champs-Elysees nổi tiếng với du khách. "Việc chứng kiến thành phố dừng hoạt động là một điều đáng buồn, nhưng an toàn của các bạn là trên hết", Thị trưởng Anne Hidalgo nói. "Hãy quan tâm chăm nom cho Paris vì Paris thuộc về tất cả người Pháp". Trong lúc biểu tình diễn ra suốt tuần qua, Tổng thống Macron đã dành hầu hết thời gian để họp kín tại Điện Elysee và nhiều người nghi ngờ rằng ông đang trốn tránh người dân. "Macron hãy từ chức", "Chúng tôi là tương lai nhưng lại bị đối xử như rác rưởi", và "Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc" là các biểu ngữ mà học sinh, sinh viên sử dụng. Từ khi đạt đỉnh điểm hôm 1/12, phong trào "áo khoác vàng" đã huy động thêm nhiều người dân cả nước tham gia. Không có tổ chức lãnh đạo, đây là cuộc nổi dậy tự phát của người dân nhằm đòi quyền lợi tại một nước Pháp với nhiều vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp cao hay tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Tuy ông Macron từng tuyên bố sẽ không chùn bước cải cách chỉ vì người dân biểu tình, nhiều người nhận định phong trào "áo khoác vàng sẽ còn kéo dài nếu chính quyền không nhượng bộ nhiều hơn. Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)