Từ nội cho đến ngoại thành thủ đô, hàng nghìn hộ dân đang dùng nguồn nước ô nhiễm có màu vàng khè, thậm chí không có giọt nào, phải đi mua nước từ nơi khác.
Người dân thôn Tựu Liệt (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) nhiều năm nay phải dùng nguồn nước ô nhiễm. Tại gia đình bà Nguyễn Thị Sen, nước cáu bẩn tuôn ra từ vòi nên bà phải đổ ra xô chậu để cặn bẩn lắng xuống dưới. Nguồn nước ở đây là từ giếng khoan, được cung cấp bởi trạm nước sạch Tựu Liệt. |
Bể nước nhà ông Nguyễn Văn Xuân (ngõ 221 Tựu Liệt) có màu đen kịt. Ông cho biết, một tháng phải sục rửa một lần vì rất bẩn, nhiều cặn màu đen vàng, sánh như mỡ. |
Nhiều hộ gia đình dùng máy lọc nước hàng triệu đồng vẫn không ăn thua. Mỗi một tháng họ phải thay củ lọc một lần, giá từ 200.000 - 300.000 đồng. |
Chị Nguyễn Thị Duyên cho biết, nhiều lúc vặn vòi nước ra để sử dụng nấu nướng, nước đổi thành màu vàng khè, đóng cặn lắng xuống phía dưới xô chậu. |
Làng Tựu Liệt hiện có hơn 700 hộ dân. Giá nước tại đây được tính 5.000 đồng/m3. Ông Nguyễn Văn Đảng, trưởng thôn Tựu Hiệp, cho biết nước ở cả làng đều rất bẩn và ô nhiễm. |
Theo ông Đảng, nước bẩn có thể do 3 nguyên nhân, độ sâu khoan thấp, quy trình lọc thô sơ, đường ống kẽm dẫn nước sử dụng đã lâu, lại chung với đường nước xả thải (đường ống màu xanh trong ảnh) nên dẫn đến nhiều cặn lắng. |
Ngoài Tựu Liệt còn có nhiều khu vực khác cũng chung tình trạng. Khu tái định cư Dọc Bún (tổ 5, phường La Khê, Hà Đông) với 80 hộ dân đang phải sử dụng nước giếng khoan ô nhiễm nặng. Mỗi khi nước bơm lên, bể lọc lại biến thành màu vàng. |
Theo những hộ dân đang sinh sống tại đây, từ khi đến sinh sống tại khu vực này, họ chưa một lần được sử dụng nguồn nước sạch và phải đi thuê điện ở nơi khác với giá kinh doanh. Nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày chủ yếu lấy từ giếng khoan nhưng đã bị ô nhiễm nặng. Nước có mùi tanh, đục và nhiều bọt váng bám đầy thành bể. |
Để có nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày, ngoài việc đi mua nước sạch về các hộ dân ở đây cũng phải lắp đặt một hệ thống lọc nhiều lớp chi phí tiền triệu. Để hạn chế tối đa độ vàng bẩn và tanh hôi, các hộ dân phải sử dụng ít nhất 4 lần lọc nước và phải thường xuyên cọ rửa bể. |
Tại cụm 13 (ngõ 87 Láng Hạ, Trung Liệt, Đống Đa) do mất nước sạch triền miên, người dân phải đi mua nước của một doanh nghiệp tư nhân |
Ông Nguyễn Kim Kính, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố số 13, cho biết tình trạng người dân liên tục bị mất nước là có thật. Trước đó đơn vị cấp nước đã hạ thấp nền và đồng hồ xuống 20 cm nhưng vẫn không có nước. |
Nước của một đơn vị tư nhân giá cao gấp 5 lần so với giá nhà nước (35.000 đồng/m3 so với 7.000 đồng/m3). |
Để dùng nước của đơn vị này người dân phải buộc các đường ống nước cùng hệ thống dây điện. |
“Vừa rồi, công nhân của đơn vị cung cấp nước sạch nói sẽ giải quyết dứt điểm, hạ đường ống, thay đồng hồ nhưng tất cả đều không được. Chúng tôi không biết phải chịu cảnh thiếu nước sạch đến bao giờ nữa”, bà Nhị, một cư dân tại đây nói. |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tổng nguồn cấp nước trên địa bàn Hà Nội khoảng 900.000 m3/ngày đêm và sẽ tăng thêm 60.000 m3/ngày đêm sau khi hoàn thành một số dự án cải tạo, nâng công suất nhà máy. Tuy nhiên, khi vào thời gian cao điểm mùa hè, nhu cầu dùng nước tăng mạnh, vượt 12% so với bình thường, tương ứng với nhu cầu khoảng 1.020.000 m3/ngày đêm. Vì vậy, lượng nước có nguy cơ thiếu khoảng 60.000 m3/ngày đêm trong thời gian cao điểm mùa hè. Nguy cơ thiếu hụt nước sạch mùa hè năm nay càng căng thẳng hơn khi tỷ lệ nước thất thoát chung trên hệ thống khoảng trên 21%, trong khi nguồn cung đang chờ đợi các dự án mới nhưng đều trong giai đoạn đang triển khai. Đại diện Công ty CP đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) - đơn vị phân phối nước sạch sông Đà, cho biết công ty đang cung cấp nước cho trên 120.000 khách hàng với địa bàn rộng lớn tập trung chủ yếu là các quận, huyện phía tây thành phố nhưng công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận không đạt được. “Chúng tôi là đơn vị kinh doanh, khi thiếu nước, mất nước dân đổ lên đầu chúng tôi nhưng thực tế nguồn nước cấp với công suất, áp lực không đảm bảo. Tất cả đang chờ đường ống nước sông Đà số 2 nhưng sẽ không thực hiện được theo kế hoạch nên việc thiếu nước trong dịp hè càng thêm căng thẳng”, vị này nói. |
Theo Lê Hiếu (Zing.vn)