Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 22/4 đã chấp thuận Hà Nội không còn ở mức nguy cơ cao. Cùng với TP.HCM, hai thành phố lớn sẽ được mở các cửa hàng kinh doanh song phải dựa trên sự xác định nguy cơ cụ thể của từng nơi trên địa bàn để có giải pháp cho phù hợp. Trong thời gian chờ chỉ đạo của Chính quyền, các hàng quán ở Hà Nội vẫn nghiêm túc thực hiện các biện pháp như đóng cửa, hoặc chỉ bán hàng mang về.
Không đón khách nhưng một số hộ kinh doanh đã mở cửa dọn dẹp bàn ghế, đồ dùng vì sau thời gian 3 tuần không hoạt động, đồ đạc đã bụi bẩn và lên mốc.
Một quán cà phê trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội chuyển toàn bộ bàn ghế ra ngoài để lau dọn.
Nhân viên quán cho biết, quán đã tạm ngừng hoạt động từ cuối tháng 3 nên cần "tân trang" lại hệ thống chiếu sáng, lau dọn bàn ghế.
Một cửa hàng trên phố Kim Mã cũng đã lau dọn sạch sẽ bàn ghế.
Mặc dù chưa có lịch mở cửa trở lại chính thức nhưng nhân viên quán cà phê trên phố Phạm Ngọc Thạch cũng tranh thủ lau dọn biển hiệu và các cánh cửa và vệ sinh quán.
Trong thời gian tạm ngưng đón khách vì cách ly xã hội, một quán cà phê đang được tu sửa lại chờ ngày mở cửa trở lại.
"Công việc trước mắt là phải dọn dẹp hàng quán, còn sau đó là chờ có thông báo chính thức từ phía chính quyền. Đầu tiên là cứ mừng vì đã được nới lỏng giãn cách nhưng cũng không vì thế mà chủ quan. Cứ chắc chắn là kiểm soát dịch tốt thì mở cửa lại khách cũng mới đến và người bán cũng mới yên tâm được", anh Tuấn, chủ cửa hàng ăn tại khu Mỹ Đình chia sẻ.
Một số ít quán rửa xe hay kinh doanh vật liệu xây dựng cũng đã rậm rịch hoạt động từ chiều nay.
Tuy nhiên, đa phần đều chỉ bán hàng cầm chừng và lượng khách thưa thớt.
Đa phần đều sử dụng hình thức bán hàng online và chuyển hàng tận nhà trong mùa dịch. Tuy nhiên, hình thức này phần lớn chỉ áp dụng cho các mặt hàng thời trang, nhu yếu phẩm.
Theo Hoàng Linh (Báo Dân Sinh)