Một trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tuy đơn sơ, nghèo nàn nhưng là nơi chữa bệnh cho hàng trăm trẻ nhỏ bị mắc các chứng tự kỷ, bại não.
“Giá mà cháu nó bập bẹ được tiếng “bà ơi” thì vui phải biết cô nhỉ?”, giọng nói nghèn nghẹn của người bà ở độ tuổi phía cuối của cuộc đời người đang hàng ngày chăm nom đứa cháu 15 tuổi mắc chứng bệnh tự kỷ khiến ai nhiều người chứng kiến phải xót xa. |
|
Đây là một trong số 45 em bị dị tật bẩm sinh từ 4 tháng đến 15 tuổi đang được điều trị miễn phí nội trú và ngoại trú tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). |
|
Tại đây có những đứa trẻ đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Một số em chỉ cách trung tâm vài ba bước chân, cũng có trường hợp đến từ Lạng Sơn, Cao Bằng… Những em nhà xa được ở trọ miễn phí tại trung tâm. |
|
Mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau. Có em mắc chứng tự kỷ, có em không thể nói cũng không thể nghe, có em bị bại não hay liệt cơ thể. Các em không thể điều khiển được hành động của mình, luôn cần có người ở bên túc trực, chăm sóc. |
|
Quá trình điều trị cho các bé bao gồm xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, chạy máy điện xung, siêu âm... Việc châm cứu đòi hỏi sự kiên trì và cẩn thận của người y sĩ lẫn người bệnh. Hàng chục chiếc kim châm vào người khiến chúng bật khóc, người thân phải giữ chặt lấy em để bác sĩ đặt đúng chỗ. |
|
Khi được hỏi cả gia đình ở đây chăm con thì ai làm kinh tế, một phụ huynh trả lời: "Nhà có mấy sào ruộng đủ ăn quanh năm. Chiều về hai vợ chồng lại chạy đi làm thuê làm mướn chỗ này chỗ kia một chút, cũng chỉ đủ ăn nhưng nhìn thấy con dần dần khỏe mạnh là vui lắm rồi". |
|
Bé Đạt đã 6 tuổi nhưng em không thể tự mình làm những việc sinh hoạt cá nhân bình thường. “Cháu tới trung tâm được một năm rồi, trước khi đến cháu không cử động được tay chân, bàn tay luôn co quắp và không biết nuốt nên mỗi lần cho ăn, tôi phải đánh vào mông cho cháu khóc gào mở miệng và để thức ăn tự trôi tuột vào họng. Nhìn con đau, con khóc, tôi xót lắm nhưng không còn cách nào khác để giữ mạng sống cho con”, khóe mắt người mẹ ấy bỗng cay cay. |
|
Có cháu ban đầu không biết đi, chỉ sau vài tháng điều trị đã chập chững những bước đầu tiên. Một số bé không nghe, không nói được cũng dần ê a được vài từ đơn giản. Do đó phải kể đến tâm sức của những người thầy thuốc tại đây. |
|
Bác sĩ Nguyễn Huy Quảng đã dành hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc và chữa trị cho hàng nghìn đứa trẻ kém may mắn bằng cả tình thương và trách nhiệm. |
|
Những lúc kim châm vào cơ thể khiến lũ trẻ bật khóc, anh lại dỗ dành: “Cố lên con, sắp xong rồi”. |
|
Người thầy thuốc với dáng hao gầy cứ lặng lẽ công việc của mình hết ngày này qua ngày khác và là điểm tựa đặt trọn niềm tin của nhiều gia đình. Trung tâm có 5 bác sĩ và 2 tình nguyện viên. Bên cạnh việc trực tiếp chữa trị cho bệnh nhi, các bác sĩ cũng hướng dẫn người nhà cách xoa bóp để các em mau tiến bộ. |
|
Các bác sĩ tẩy trùng và sắp xếp lại các dụng cụ y tế cho từng em để tiếp tục công việc vào ngày mai. Vì điều kiện trung tâm còn hạn chế nên số máy điện xung và các dụng cụ y tế khác còn chưa đáp ứng đủ. Đây cũng là điều khiến bác sĩ Quảng và các đồng nghiệp trăn trở suy nghĩ. |
|
Khi thấy có người đến thăm, những đôi bàn tay nhỏ bé của bệnh nhi vẫy vẫy với khuôn mặt ngơ ngác. Không biết đến bao giờ nơi đây mới rộn ràng tiếng cười trẻ thơ? |
Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được thành lập từ năm 1996. Hàng năm nơi đây tiếp đón và điều trị cho khoảng 70-80 cháu. Từ khi hoạt động trung tâm đã khám và điều trị cho khoảng hơn 1.000 em khuyết tật trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt từ năm 2005 đến nay trung tâm đã khám cho gần nghìn trẻ em tàn tật với phương pháp điều trị phục hồi chức năng gồm các thể bệnh liệt vận động tay, chân, liệt nửa người, khiếm thính, câm, thiểu năng trí tuệ… Tỷ lệ chữa khỏi chiếm 20%, ở thể tiến triển tốt 80%. |
Theo Phạm Quỳnh Trang (Zing.vn)