Những việc làm phi pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm

04/03/2016 09:59:10

Kể từ khi chiếm đóng bất hợp pháp đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh liên tục xây dựng các công trình dân sự và quân sự, đồng thời đưa người tới sinh sống trái phép.

Kể từ khi chiếm đóng bất hợp pháp đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh liên tục xây dựng các công trình dân sự và quân sự, đồng thời đưa người tới sinh sống trái phép.
Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và từ đó xem quần đảo là tiền đồn của nước này ở Biển Đông. Hoàng Sa cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150 hải lý. Trung Quốc dần biến đảo Phú Lâm, một trong hai đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thành kho chứa thiết bị quân sự với radar hay cơ sở phục vụ hàng không kể từ những năm 1990. Ảnh: VCG/BBC
 
Tháng 7/2012, Trung Quốc lập ra cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm nhằm thâu tóm Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời đưa 613 người, chủ yếu là ngư dân, tới đây. Một năm sau, số công dân Trung Quốc sinh sống bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam là hơn 1.000 người, gồm binh lính, quan chức chính quyền của cái gọi là "thành phố Tam Sa" cùng thân nhân những người này. Ảnh: VCG/BBC
 
Trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc xây dựng trái phép các tòa nhà của chính quyền, bưu điện, ngân hàng hợp tác xã nông thôn, siêu thị, tiệm cắt tóc và cửa hàng bán nước giải khát. Trung Quốc thậm chí còn phủ sóng trái phép điện thoại di động 4G và kết nối Internet thông qua dây cáp ngầm dưới biển ở đảo này. Ảnh: VCG/BBC
 
Ngày 7/10/2014, Bắc Kinh ngang nhiên thông báo hoàn tất đường băng dài 2.000 m dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm. Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố đã thành lập một đơn vị đồn trú quân sự và bắt đầu thiết lập hệ thống tuần tra cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Theo PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, một tàu du lịch của nước này thường xuyên hoạt động trên lộ trình từ đảo Hải Nam tới vài đảo ở Hoàng Sa, trong đó có Phú Lâm. Ảnh: Tân Hoa xã
 
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc thực hiện các hoạt động bồi lấp và mở rộng đường băng trái phép trên đảo Phú Lâm hồi tháng 2 và tháng 3/2015. Ảnh: IHS Janes
 
Ảnh vệ tinh ngày 14/2/2016 cho thấy Trung Quốc đưa 8 bệ phóng tên lửa đất đối không HQ-9 tới đảo Phú Lâm, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm chỉ vài tháng sau lần đầu tiên đưa J-11 tới đây (tháng 11/2015). Hành động của Trung Quốc vấp phải chỉ trích dữ dội của thế giới. Mỹ cảnh báo Bắc Kinh không được theo đuổi quân sự hoá ở Biển Đông, trong khi Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và mọi hoạt động của Trung Quốc ở đây đều là bất hợp pháp. Ảnh: ImageSat International
 

Theo Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Bắc Kinh đã triển khai khẩu đội tên lửa HQ-9 tới đảo này ít nhất hai lần trước đó trong các lần diễn tập quân sự. Các chuyên gia nhận định, việc Bắc Kinh gần đây triển khai thiết bị quân sự tới Hoàng Sa là bằng chứng cho thấy rõ nước này đang quân sự hóa Biển Đông. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng khu vực chống tiếp cận/xâm nhập và tăng quyền kiểm soát không phận cùng vùng nước ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 3/3 một lần nữa nhắc lại rằng Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và mọi hoạt động của Trung Quốc tại hai quần đảo này đều là bất hợp pháp. Ảnh: BBC

 
Theo Hải Anh (Zing.vn)

Nổi bật