Khu Ký túc xá Đại học ở Moscow, Nga, là nơi ở của hàng trăm sinh viên, du học sinh thuộc nhiều trường: ĐH Công nghệ Hóa học Lomonosov, ĐH Sư phạm Quốc gia, ĐH Kinh tế. Trong loạt ảnh của nhiếp ảnh gia Pascal Dumont được đăng trên tờ The Moscow Times, ký túc xá nằm ngay trung tâm thành phố khiến nhiều người bất ngờ bởi sự hoang phế, cũ nát không khác khu ổ chuột. Ảnh: The Moscow Times. Những mảng tường ẩm ướt, bong tróc, nhà vệ sinh nhỏ hẹp, cầu thang tối tăm và bừa bộn là những gì nhiếp ảnh gia Dumont mô tả về nơi trú ngụ của hàng trăm sinh viên. Ảnh: The Moscow Times. Rất ít sinh viên muốn sinh sống tại các obshaga (từ dùng để chỉ ký túc xá ở Nga) vì điều kiện sinh hoạt khó khăn và quy định nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với mức giá thuê phòng chỉ khoảng 10 USD/tháng/người (chưa đến 250 nghìn đồng), các ký túc xá tại Moscow lại là lựa chọn không tồi với nhóm sinh viên nghèo. Ảnh: The Moscow Times. Được xây dựng từ năm 1913, Yoshida thuộc ĐH Kyoto, Nhật Bản, là một trong những ký túc xá lâu đời nhất vẫn còn được sử dụng đến hiện tại. Yoshida đang là nơi ở của gần 200 sinh viên đến từ ĐH Kyoto và các trường lân cận. Ảnh: The Japan Times.
Trải qua hơn 100 năm, ký túc xá được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ này đã xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho sinh viên, ĐH Kyoto nhiều lần đưa ra kế hoạch đóng cửa Yoshida. Ảnh: CNN/The Japan Times. Tuy nhiên, các sinh viên, trong đó có nhiều du học sinh, từ chối chuyển đi. Ngoài giá thuê phòng thấp, chỉ khoảng 2,5 nghìn yên/tháng/người (khoảng 500 nghìn đồng), sinh viên không muốn rời khỏi Yoshida vì môi trường học tập, sinh hoạt độc đáo ở đây. Ảnh: CNN. Trong khi đó, những hình ảnh bẩn thỉu, bừa bộn tại khu ký túc xá của Học viện Kỹ thuật Kaiwen, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, được các sinh viên chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bàng hoàng. Ảnh: Weibo.
Không chỉ tồi tàn, cũ nát, khu ký túc xá này còn thiếu nước trầm trọng. Theo phản ánh của nhiều sinh viên sống tại đây, họ thường xuyên không có nước để rửa mặt, khu vệ sinh thiếu nước xả. Sau nhiều lần phản ánh với ban quản lý nhưng không được giải quyết, sinh viên phải kêu cứu trên các diễn đàn. Dưới sức ép của dư luận Trung Quốc, lãnh đạo nhà trường đã lên tiếng nhận trách nhiệm và hứa giải quyết vụ việc. Ảnh: Weibo. Theo Huệ Lâm (Tri Thức Trực Tuyến)