Sau 3 đợt khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, đợt bùng phát dịch thứ 4 khiến nhiều tỉnh, thành phía Nam gặp khó khăn bởi biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh.
TP.HCM là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch lần thứ 4. Có thời điểm các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải khiến các y, bác sĩ phải căng sức, nỗ lực cứu chữa những ca bệnh nặng.
Đã có hơn 23.000 người tử vong do Covid-19, trong đó TP.HCM có hơn 17.200 người.
Trong suốt thời gian dịch bệnh và hôm nay, TP.HCM cùng cả nước từng bước khắc phục hậu quả dịch bệnh, từng bước thích ứng an toàn.
Những khoảnh khắc được ghi lại phản ánh một phần về cuộc chiến chống Covid-19, một bức tranh về những cảnh đời, những mất mát, hy sinh và tình người trong mùa dịch.
Tại TP.HCM, từ vài chục ca mắc hồi đầu tháng 5, đến trung tuần tháng 11 con số đã lên đến gần 450.000 ca nhiễm. Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, bệnh viện quá tải, số người tử vong tăng cao.
Hàng vạn y, bác sĩ khu vực phía Bắc và các lực lượng quân đội, công an... đã chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam khi dịch bệnh bùng phát dữ dội.
Nhiều khu Hồi sức tích cực điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch được thiết lập. Phần lớn những bệnh viện tại TP.HCM chuyển công năng điều trị Covid-19, các bệnh viện dã chiến được xây dựng khắp nơi.
Chị Thủy đôi mắt ngấn lệ nhìn vào phòng hồi sức Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM)- nơi con trai 22 tháng tuổi đang nằm thở máy. Chị nhẩm tính, bé vào đây đã 7 ngày. Con trai chị Thuỷ là một trong hàng trăm em mắc Covid đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Hơn 23.000 người hy sinh, qua đời vì nhiễm Covid-19. Chính quyền TP.HCM phối hợp với lực lượng quân đội hoả táng và đưa tro cốt người mất về với gia đình. Các lò thiêu thời điểm đó luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều người thân vẫn chưa nhận được tro cốt gia đình do phải cách ly hoặc đang điều trị trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Nhiều người không cầm được nước mắt khi nhìn thấy kỷ vật của người thân. Anh Minh Đức, Q.10 từng nhiễm Covid-19, đang làm tình nguyện viên chăm sóc F0 tại bệnh viện.
Sáng 21/9, anh nhận được tin từ bệnh viện báo đến nhận lại đồ dùng của ba - ông Huỳnh Đức Ka, 83 tuổi. Những đồ còn lại là điện thoại, cục sạc, máy đo SpO2…
“Ba tôi nhập viện rất vội vã. Ba đi điều trị không có quần áo gì hết. Hôm nay đến đây, nhận đồ cuối cùng của ba. Tôi không biết làm sao. Thật sự, lúc này tôi rất nặng nề”- anh Kha xúc động nói.
Covid-19 cũng làm hàng ngàn trẻ em bỗng dưng mồ côi. Phạm Yến Nhi (20 tuổi), Q. 12, TP.HCM trở thành trụ cột gia đình khi ba và mẹ qua đời vì Covid-19. Chỉ trong 10 ngày, 4 chị em thành trẻ mồ côi. Mẹ Nhi mắc Covid-19 khi đi điều trị ung thư. Ba Nhi đang điều trị trong khu cách ly, bệnh tình trở nặng khi nghe tin vợ mất, ông cũng qua đời ít ngày sau đó.
Nhi thay ba mẹ lo cho 3 đứa em gái. Chị em Nhi cùng hơn 1.500 đứa trẻ khác trở thành trẻ mồ côi do Covid-19. Nhi ngậm ngùi nhìn lên bàn thờ chỉ có tro cốt của mẹ: “Tro cốt mẹ mới được đưa về, còn cha đã mất gần nửa tháng nay vẫn chưa được về nhà”.
Chính quyền địa phương đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân. Từ đầu tháng 10, lượng vắc xin về nhiều, số ca nhiễm giảm hơn một nửa từ khoảng bình quân 5.000 ca/ngày còn 2.000 ca/ngày. Hầu hết người trên 18 tuổi ở TP.HCM đều được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin. Các biện pháp phong toả dần được nới lỏng.
Hàng quán đóng cửa, đường phố vắng lặng. Cuộc sống thường ngày của người dân bị đảo lộn. Nhiều người phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế lẫn sức khoẻ tinh thần khi phải ở nhà một thời gian dài do giãn cách.
Nhiều chuyến xe ở các tỉnh đưa đón người dân sinh sống tại TP.HCM về địa phương khi thành phố này siết chặt giãn cách, người dân khó khăn trong đi lại, sinh sống, làm việc…
Chị Nguyễn Thị Hoài, lao động tự do, sinh em bé được 2 tháng tuổi ngồi chờ xe đưa về quê Phú Yên tránh dịch. Nhiều tháng qua, vợ chồng chị mất việc không có tiền đóng trọ, nuôi con. Vợ chồng chị may mắn được xe của tỉnh đón về quê miễn phí: “Mấy tháng nay không đi làm nên sống nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Nay được tặng vé về quê mừng không tả xiết”. Chị Hoài xúc động nói.
Trước khi dịch bùng phát ở TP.HCM, khu vực biên giới Nam Bộ từ Kiên Giang đến Bình Phước, tuyến biên giới được kiểm soát chặt chẽ khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao ở Campuchia.
Nhiều người tập dần thích nghi với cuộc sống trong mùa dịch bệnh: Làm việc tại nhà, học trực tuyến, đám cưới online...
Người dân đa phần là công nhân di chuyển ra cửa ngõ TP.HCM để về quê sau lệnh nới lỏng giãn cách 1/10. Nhiều người mất thu nhập, mất việc làm, không còn kế sinh nhai trong suốt 4 tháng dịch bệnh bùng phát. Người dân trả nhà trọ, đi xe máy hàng nghìn km để về quê.
TP.HCM tiếp tục tiêm vắc xin cho các đối tượng còn lại. Các hoạt động khác đang dần phục hồi trở lại. Các buổi tưởng niệm nạn nhân Covid-19 cũng đang được diễn ra để tưởng nhớ người đã khuất.
Theo Tùng Tin (VietNamNet)