Những hình ảnh chứng minh sức sống bền bỉ của đôi dép tổ ong "huyền thoại"

09/05/2015 09:25:26

Dép tổ ong là sản phẩm làm từ nhựa cao su, đôi dép "huyền thoại" này phổ biến ở nước ta từ trước năm 1986. Hiện nay, dép tổ ong vẫn là đôi dép thân thuộc của các trẻ em vùng cao, là biểu tượng của sự giản dị, dân dã và đậm chất Việt Nam.

Dép tổ ong là sản phẩm làm từ nhựa cao su, đôi dép "huyền thoại" này phổ biến ở nước ta từ trước năm 1986. Hiện nay, dép tổ ong vẫn là đôi dép thân thuộc của các trẻ em vùng cao, là biểu tượng của sự giản dị, dân dã và đậm chất Việt Nam.
Là người Việt Nam, chắc hẳn không ai lại không biết đến đôi dép tổ ong "huyền thoại" được sản xuất từ trước năm 1986. Kiểu dáng của dép tổ ong sau bao nhiêu năm vẫn không đổi, vẫn là đôi dép cao su dày cộm, với độ dẻo cực tốt, không thấm nước, nhiều người còn đùa rằng, "đôi dép huyền thoại" này có thể lên rừng xuống biển mà chỉ một thời gian rất lâu sau đó mới bị mai một dần đi.
 

Thời kỳ đầu, dép tổ ong chỉ có màu trắng hoặc vàng nhạt, thiết kế đơn giản với quai có nhiều lỗ giúp chân thông thoáng khi mang.

 
Ngày nay, nhiều người lớn vẫn thường dùng loại dép này vì độ bền của nó. Với những người trẻ, có người mang vì "cá tính", có bạn hoàn cảnh không mấy khá giả, chỉ đủ tiền mua đôi dép tổ ong để có thể mang quanh năm suốt tháng, mặc cho bạn bè cùng trường lớp có chế giễu.
 
Có rất nhiều câu chuyện ý nghĩa và cảm động đằng sau những chiếc dép tổ ong này. Hẳn các bạn còn nhớ, chàng thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến trong ngày đầu tiên đến trường Đại học Y Hà Nội làm các thủ tục nhập học theo quy định, Tiến đã đi đôi dép tổ ong mà mẹ mua tặng.
 

Thủ khoa ĐH Y Hà Nội đi đôi dép tổ ong là phần thưởng của mẹ đến nhập học.

 
Tháng 8 năm ngoái, hình ảnh GS. Ngô Bảo Châu ăn mặc giản dị, đặc biệt đi đôi dép tổ ong dạy học cho trẻ em trường tiểu học Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) làm nhiều người xúc động.
 

Một vị giáo sư giản dị, gần gũi với trẻ em vùng cao là hình ảnh khiến mọi người nhớ mãi.

 
Ở các huyện vùng cao Tây Bắc, dép tổ ong đã lớn lên cùng nhiều thế hệ trẻ em ở đó. Các em đi dép tổ ong như dép đồng phục vậy. Đây là dép mà các em được nhận từ các lần về từ thiện của các anh chị sinh viên ở Hà Nội.
 
 
Trẻ em vùng cao Tây Bắc và những đôi dép giống nhau - dép tổ ong bền bỉ với thời gian.
 
Dép tổ ong của trẻ em ở xã Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang).
 
 
Ở xã Nậm Sài cách thị trấn Sapa (Lào Cai) 30km, những đôi dép tổ ong là tài sản quí đối với người Phù Lá.
 
Phụ nữ Xá Phó cũng chỉ có đôi dép tổ ong ngay cả trong những ngày giá rét.
 
Dép tổ ong nếu là một sản phẩm "quê mùa" ở thành thị, thì nó vẫn là đôi dép quý báu đối với những học sinh ở Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang).
 
 

Những đôi dép tổ ong xuất hiện ở nơi đây khá phổ biến. Mặc dầu thế vẫn có những em nhỏ phải đến lớp bằng chân trần.

 
Trò chuyện với các tiểu thương bán loại dép này tại chợ Tân Định, Bến Thành (Quận 1, TP.HCM), các chủ sạp cho biết, trải qua 20 năm, dép tổ ong vẫn là sản phẩm bán ổn. Theo các tiểu thương bán dép tổ ong tại chợ, chính nhờ kiểu dáng phổ thông và yếu tố tiện lợi, dép tổ ong suốt thời gian dài trở thành sản phẩm thịnh hành nhất trên thị trường. Bên cạnh đó, thời kỳ những năm 80-90, mẫu mã giày dép chỉ có vài loại cũng là yếu tố giúp sản phẩm này được tiêu thụ mạnh.
 

Những biến thể khác của dép tổ ong được chia sẻ trên mạng xã hội.

 
Hiện loại này chỉ còn được dùng phổ biến ở nông thôn, để đi trong nhà của các gia đình thành thị, trong các khách sạn, bệnh viện… và dép bảo hộ lao động. Tùy xuất xứ, giá cả được bán tại các chợ dao động từ 25.000 đồng - 40.000 đồng/đôi.
 
Bà Hồng Kim, tiểu thương ở chợ Tân Định cho biết: "Tôi là người gốc Bắc, vào Sài Gòn mưu sinh hồi những năm 80 và thật tình cờ loại dép tổ ong cũng ra đời vào thời điểm đó. Cũng vì thế, khi vào đây tôi nhập loại dép tổ ong này về bán và được rất nhiều người chọn mua. Tôi nhớ năm đầu tiên tôi nhập dép tổ ong về bán, lượng người mua tới hỏi liên tục từ người xe ôm, xích lô, bán vé số, người làm văn phòng... Đến ngày nay, loại dép này vẫn được mọi người rất ưa chuộng, người nghèo mua về đi làm, còn người khá giả hơn thì đi trong nhà. Nhiều khách sạn, resort còn đặt mua số lượng lớn vì họ nói khách nước ngoài khi thuê phòng cũng thích đi loại dép tổ ong này trong phòng".
 
 "Hồi còn đi học cấp 2, rồi lên cấp 3 tôi vẫn chọn mang dép tổ ong vì vừa mang êm chân, lại lâu hư nữa. Tôi nhớ không nhầm, đôi dép "huyền thoại" này đã theo tôi được 4 năm mà không vấn đề gì, chỉ mòn đế thôi. Thời điểm đó, gia đình còn nghèo, chỉ mua cho mỗi anh em một đôi dép tổ ong vừa mang đi học, vừa đi làm. Nhưng trải qua nhiều "sóng gió" của cuộc sống, loại dép này vẫn rất bền", anh Trần Hải Minh (SN 1987, ngụ Phú Nhuận) kể về những kỉ niệm cùng dép tổ ong.
 
Một người còn đăng cả ảnh đôi dép tổ ong đã đến Paris.
 
Nam ca sĩ Hoài Lâm cũng từng đăng một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc anh chàng này đang mang một đôi dép tổ ong tạo dáng chụp ảnh trong một studio chuyên nghiệp.
 
Hiện nay, sự phát triển của ngành thời trang với nhiều mốt giày dép sành điệu, đắt tiền, thật khó để tìm được một ai đó đi đôi dép tổ ong trên phố, nhưng với hầu hết người Việt Nam có lẽ dép tổ ong vẫn là một đôi dép "huyền thoại" mang nhiều kỉ niệm trong tuổi thơ của họ.
 
>> Hoài Lâm khiến fan sốt với ảnh đi dép tổ ong
 
Theo Quỳnh Trân - Tứ Quý (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật