Những nhà trọ xập xệ quanh khu công nghiệp Tân Tạo (Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có hàng chục đứa trẻ từ vài tháng tuổi đến vài tuổi được các bậc phụ huynh chăm sóc tại nhà. Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, quê Đồng Tháp, làm công nhân da giày, cho biết chị vừa sinh con được 5 tháng, nghỉ ở nhà chăm sóc con. Còn một tháng nữa là chị phải đi làm trở lại. Con chị sẽ gửi nhà ngoại nuôi giúp. Đây là đứa thứ 2, đứa con đầu khi được 12 tháng tuổi chị gửi về quê nhờ nhà nội nuôi giúp. "Con nhỏ quá mình cũng không an tâm gửi nhà trẻ, thỉnh thoảng có việc bận thì nhờ hàng xóm trông chừng", chị Nhung chia sẻ. Cũng như chị Nhung, chị Danh Thị Soạn, quê Sóc Trăng cũng có 2 đứa con nhỏ và chị phải bỏ việc làm, ở nhà chăm sóc con. Chồng chị đi làm công nhân còn chị ở nhà. Chị chưa bao giờ nghĩ đến việc phải đưa con đi nhà trẻ. Bà Sơn Thị En, quê Sóc Trăng, có nhiều kinh nghiệm giữ trẻ, có lúc bà trông đến 7 đứa cháu nội ngoại. Bà En có 5 người con làm việc ở các khu công nghiệp TP.HCM, Bình Dương. Khi những đứa cháu lần lượt ra đời là lúc bà rời quê lên thành phố trông trẻ. "Mấy đứa con nghèo làm gì có tiền gửi nhà trẻ nên mình phụ giúp", bà En tâm sự. Ba mẹ bận đi làm, Anh Thư (16 tuổi) phải ở nhà trông em. Nếu còn đi học, năm nay Anh Thư đã vào lớp 10. Việc học của Thư phải dừng lại khi ba mẹ sinh em bé. Nhà nghèo, ba mẹ Thư không thể nghỉ việc để giữ con. Thư rời quê Đồng Tháp lên TP.HCM phụ giúp ba mẹ chăm sóc em. Chị Soạn phải tất bật cả ngày để lo cho đứa con nhỏ. Những đứa con chị Trần Thị Thủy giờ đã lớn và đều đi làm công nhân. Thỉnh thoảng chị giữ giúp con của người em họ. Những đứa trẻ hàng xóm chị cũng thương nó như con ruột của mình, có ai nhờ chị cũng trông hộ. Chị Thủy có chồng làm công nhân, còn chị hàng ngày đổ bánh đi bán ở khu công nghiệp Tân Tạo kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tiền trọ khoảng 1 triệu/tháng, chi phí gửi trẻ còn đắt hơn trong khi lương công nhân nơi đây chừng 4-6 triệu/tháng nên nhiều phụ huynh ngại đưa con em đến nhà trẻ. Bà Cao Thị Ánh Hồng (53 tuổi) cho biết lúc trước bà còn đi làm công nhân, nay lớn tuổi công ty không nhận nữa. Bà ở nhà trông 2 đứa cháu giúp con đi làm. Bà Hồng cho biết con bà cũng định gửi cháu nhà trẻ khi bé lớn, để biết thêm nhiều thứ vì những người ở nhà không có thời gian và không có nhiều kỹ năng như cô giáo để dạy cháu. Bà Hồng cũng lo lắng khi gần đây nghe người ta nói bạo hành trẻ em ở khu nhà trẻ, khiến bà không an tâm. Thân "gà trống nuôi con" nên anh Phạm Văn Định không còn cách nào khác là gửi con mình vào nhà trẻ để anh có thời gian đi làm. Anh Định làm nghề bán chổi lông gà quanh khu công nghiệp Tân Tạo, mỗi ngày kiếm được hơn trăm nghìn. Anh Định cho biết gửi trẻ mất 1,3 triệu/tháng. Anh cũng khá an tâm nơi nhà trẻ dạy con mình: "Con nó cũng lớn, nó cũng hiểu biết nên có gì nó sẽ nói mình nghe. Ở đây cũng khá tin tưởng nên phần nào mình cũng an tâm", anh Định nói. Không có tiền gửi con nhà trẻ, chị Phùng Thị Vững phải dắt con 3 tuổi theo bên mình. Chị Vững bị tật ở chân, khó khăn đi lại. Chị sắm được một dàn máy may và ngồi lề đường Trần Đại Nghĩa vá đồ. Con chị là bé Quách Hồng Huy (3 tuổi) theo mẹ rong ruổi ngoài đường từ hồi mới mười mấy tháng tuổi. Chồng chị Vững làm công nhân ở công ty nhựa, hai vợ chồng làm lụng hơn chục năm nay ở TP.HCM, dành dụm tiền để về quê Kiên Giang sinh sống. Chị Vững nhẩm tính gửi nhà trẻ chi phí các thứ gần 2 triệu đồng mà con mình cũng chưa chắc an toàn nên chị thôi ý định. Những đứa trẻ nghèo vẫn tự biết tìm niềm vui cho mình. Theo Tùng Tin (Tri Thức Trực Tuyến)