Để thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường Vành đai 2,5), tháng 3/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã bàn giao hơn 100 cây bóng mát trên đường Nguyễn Văn Huyên (trong phạm vi dự án) cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội để thực hiện dịch chuyển vào vị trí hè mới. Trong số này, có 34 cây sưa là loại gỗ quý, có giá trị về kinh tế
Để bảo vệ hàng sưa khỏi trộm cắp, đơn vị quản lý đã lắp đặt nhiều lớp hàng rào sắt xung quanh từ gốc đến giữa thân cây, đồng thời lắp đặt hệ thống camera theo dõi
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện tại, nhiều cây sưa tại đây đã chết khô khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng
Mặc dù được chăm sóc cẩn thận nhưng những cây này không có dấu hiệu "hồi sinh"
Cận cảnh hình ảnh cây sưa quý chết khô trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài
Bên cạnh những cây đã chết, một cây khác cũng đang có dấu hiệu úa lá, không đâm chồi
Chia sẻ với PV, chị Vũ Vân Anh (quận Hà Đông) bày tỏ: "Có lẽ, việc trồng sưa trên những tuyến đường này chưa thực sự thích hợp cho cây phát triển. Nếu hàng cây được đặt ở vị trí yên tĩnh, không gian thoáng mát như công viên hay khu bảo tồn thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn. Còn ở vỉa hè của một thành phố lớn như Hà Nội có thể lựa chọn các loại cây thông thường như phượng vĩ, bằng lăng... hơn là cây có giá trị cao, phải bảo vệ cẩn thận"
Ông Lê Thanh Hải (quận Cầu Giấy) cho biết: “Trước đây hàng cây vẫn xanh tốt, nhưng từ khi dịch chuyển lùi vào vỉa hè lại xuất hiện tình trạng úa vàng, héo khô. Không chỉ người dân quanh đây mà ai đi qua cũng tiếc nuối, xót xa vì để có được một cây sưa to lớn như vậy không hề đơn giản”
Ông Ma Kiên Ngọc, Giám đốc Công ty Tư vấn thương mại Thành Công Xanh - đơn vị được giao chăm sóc hàng sưa, cho biết: "Mấy chục cây sưa này dịch chuyển để mở rộng đường Nguyễn Văn Huyên vài tháng trước được chăm sóc rất kỹ như: truyền dinh dưỡng, lắp camera, làm khung sắt, cắt cử người trông coi. Sau thời gian dịch chuyển, sưa phát triển tốt, lá còn xum xuê che mát cả vỉa hè". "Chúng tôi đã thông tin đến sở liên ngành, chuyên gia xuống để đánh giá, thẩm định xem nguyên nhân cụ thể do đâu. Đến nay Sở Xây dựng vẫn chưa mời được chuyên gia, công ty hàng ngày vẫn chăm sóc, tưới nước, bón phân, cho thuốc kích rễ" - ông Ngọc nói
Theo Ngọc Thắng (Trí Thức Trẻ)