Những bức hình được trả bằng máu: Để chụp được những tấm ảnh này về Afghanistan, có người đã phải chết
11/10/2021 09:09:22
Kamber cho biết có hơn 50 nhân viên truyền thông và phóng viên từng bị sát hại ở Afghanistan, phần lớn là dân bản địa. Đó là những người đã cho đi cả sinh mạng, để mang lại những tấm hình không ai có thể quên.
Việc quân đội Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có lẽ là một kết quả đã được dự đoán với nhiều người, trước một cuộc chiến quá dài hơi và hao tốn rất nhiều tài nguyên, sinh mạng. Nhưng trên thực tế thì đây là lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ qua, người dân trên thế giới thực sự chú ý đến Afghanistan. Đặc biệt là với người Mỹ, khi hầu hết đều không mấy mặn mà với nơi được xem là "vũng lầy quân sự" chốn xa xôi.
Nhưng thái độ ấy đã khiến Mike Kamber - cựu phóng viên ảnh, giám đốc Trung tâm Phim tài liệu Bronx (BDC) tại New York - cảm thấy phiền muộn. Ông tin rằng cần phải đưa thông tin đến với công chúng để đưa các vấn đề tại Afghanistan thành những chủ đề được xem xét rộng rãi hơn. Nhưng câu chuyện đưa tin ở Afghanistan chưa bao giờ là dễ dàng.
Suốt 2 thập kỷ, có nhiều thời điểm Kamber làm việc tại đất nước này, và chứng kiến sự ra đi của nhiều đồng nghiệp. Năm 2011, ông nghĩ ra ý tưởng về BDC cùng đồng nghiệp là Tim Hetherington. Tim sau đó đã bị sát hại tại Libya trước khi trung tâm kịp thành hình.
Để đánh dấu thời điểm Mỹ can thiệp vào Afghanistan, Kamber đã hỗ trợ tổ chức cuộc triển lãm "Urgency! Afghanistan", trong đó có những cột mốc cụ thể chứa đựng các thông tin chi tiết về cuộc chiến tranh dài hơi này, với sự đóng góp của các nhiếp ảnh gia vẫn đang hoạt động tại Afghanistan.
Trong cuộc phỏng vấn với BuzzFeed, Kamber cho biết có hơn 50 nhân viên truyền thông và phóng viên từng bị sát hại ở Afghanistan, phần lớn là dân bản địa. Những bức ảnh ở đây, nhiều tấm được trả bằng máu, bằng sinh mạng, với những công lao không thể quên.