Quảng Châu bắt đầu cấm lưu thông xe máy vào tháng 1/2007 sau khi chịu cảnh tắc đường triền miên, kèm với đó là ô nhiễm không khí, tội phạm và tai nạn giao thông.
Bắt đầu phát triển vào đầu thập niên 1980, tính đến năm 2003, số lượng xe máy ở Quảng Châu lên đến gần 800.000 chiếc, chiếm 20% lưu lượng giao thông trên đường phố.
Theo thống kê của cảnh sát, mỗi năm có hàng trăm nghìn vụ phạm tội liên quan đến xe máy, chủ yếu là trộm cắp xe và dùng xe làm phương tiện cướp giật. Riêng nửa đầu năm 2003 đã xảy ra hơn 3.000 vụ tai nạn do xe máy gây ra, cướp đi mạng sống của 364 người, chiếm một nửa số ca tử vong vì tai nạn giao thông.
Quá bức bối trước hiện thực đó, các nhà chức trách Quảng Châu quyết định tìm lời giải cho bài toán nhức nhối này và chủ trương cấm xe máy lưu thông ra đời và thực hiện dần từng bước cho đến khi thực thi triệt để vào đầu năm 2007.
Đồng thời với việc mạnh tay chi cho phát triển và nâng cấp hạ tầng giao thông, chính quyền thành phố Quảng Châu lập ra khoảng 40 điểm tiếp nhận xe máy để thu gom phương tiện này đi phá hủy, đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân đến nộp xe.
Kết quả là tình trạng ô nhiễm môi trường nhanh chóng được cải thiện và các vụ phạm tội và tai nạn giao thông giảm mạnh. Đường phố lưu thông an toàn. Các tuyến xe buýt hoạt động cả ngày lẫn đêm. Giao thông đường sắt như tàu điện ngầm được đầu tư phát triển đồng bộ. Các thể chế áp buộc đặc biệt cũng được triển khai.
Tất cả đã giúp Quảng Châu lột xác hoàn toàn, trở thành một đô thị hiện đại, sạch sẽ và thông thoáng. Cảnh kẹt xe thời còn là "vương quốc" xe máy ở thành phố này đã trở thành dĩ vãng.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)