Sau hơn trăm năm xây dựng, mái ngói của nhà thờ Đức Bà (TP HCM) hư hỏng, sơn bong tróc, tường bị nứt, vẽ bẩn...
Bên trong khu vực tháp chuông nhà thờ Đức Bà. |
Sau gần 140 năm, nhà thờ Đức Bà đã trở thành một công trình kiến trúc biểu tượng của Sài Gòn. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch làm tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu. Đến nay gạch vẫn còn màu sắc hồng tươi nhưng cũng đã hư hỏng một phần. Nhiều viên gạch bị viết, vẽ bậy chi chít. |
Hiện, nhiều phần mái ngói các gian nhà thờ đã bị hư hại. Nhà thờ phải chèn các tấm nhôm, nhựa cứng tạm thời chờ sửa chữa đồng bộ. Mái ngói ngôi thánh đường được đề nghị sửa chữa dài 91 m, rộng 35 m và cao 57,3 m. |
Nhiều đoạn máng dẫn nước bị hỏng khiến bờ chảy lộ ra những hốc lớn dọc bên ngoài ngôi thánh đường. Các lớp mái ngói khác bị rêu bám thành mảng đen, cây dại mọc chen vào khe hở các lớp gạch, máng nước chảy. |
Chóp mái tháp chuông bằng tôn kẽm đúc giả ngói màu xám trắng đã bị gỉ, nhiều mảnh tôn bị rơi ra tạo thành lỗ hổng ở mái. Việc sửa hai chóp mái dự kiến hoàn thành trong khoảng một năm. |
Khu vực vỉa hè bao quanh cùng lớp đá bó bị bong tróc, đá vỡ vụn tạo nên những đoạn lồi lõm. |
|
Trong giáo đường, không gian vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm. Tuy nhiên, nhiều hạng mục cũng hư hỏng, đang dần xuống cấp. |
|
Bên trong, những hạng mục cần được trùng tu phục chế như hệ thống chiếu sáng, cầu thang, khung gỗ đỡ chuông, sửa chữa tường, hệ thống điều áp và thông gió... |
|
Nhiều ô cửa kính quanh thánh đường đã bị vỡ nhưng chưa được sửa chữa. Hệ thông dây điện cũ kỹ lòi ra bên ngoài. |
|
Lớp vôi vữa trên tường, trần nhà thờ bị bong tróc. |
|
Theo Linh mục Hồ Văn Xuân (Tổng đại diện Giáo phận Sài Gòn, Trưởng ban trùng tu), trong thời gian thi công, nhà thờ vẫn cử hành thánh lễ bình thường nhưng chỉ ra vào một cửa giữa trước. Chỉ tạm dừng việc tham quan để đảm bảo an toàn. |
|
Theo cha Xuân, việc dựng rào chắn quanh nhà thờ để sửa chữa mất khoảng 3 tuần. Nếu mọi việc suôn sẻ, việc trùng tu sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019 hoặc tháng 6/2020. Kinh phí sửa chữa khoảng 100 tỷ đồng, do chủ đầu tư là Tòa tổng giám mục Sài Gòn vận động từ nguồn xã hội hóa. |
Theo Quỳnh Trần (VnExpress.net)