Người Hà Nội 'luyện công' tắm sông giữa trời rét 10 độ C từ mờ sáng
Bơi sông được xem là thú vui của những người trung tuổi cho tới cao tuổi nhằm tập luyện để nâng cao sức khỏe từ hàng chục năm nay. Đều đặn sáng nào cũng vậy, từng tốp người trong câu lạc bộ bơi sông Hồng khởi động để làm nóng cơ thể bằng những dụng cụ tự chế như tạ xi măng, xà đơn... Sáng sớm nhiệt độ giảm sâu, nhiều người khởi động rất kĩ. Ông Quang (50 tuổi) - người có thâm niên tắm tại đây đã 15 năm - cho biết, dù giá lạnh ở bất cứ nhiệt độ nào, ông và bạn bè cũng có thể bơi được. Trong số gần 60 thành viên của câu lạc bộ bơi lội sông Hồng, phần lớn là những người lớn tuổi, trung niên. Trong ảnh là ông Trí Nguyễn (77 tuổi) nhà ở Khâm Thiên ngày nào cũng tới đây tắm. Nhiều người thích thú nhảy xuống làn nước lạnh, vùng vẫy dưới nước trước khi bơi ra xa để tránh chuột rút. Việc đến đây tắm đã tạo thành thói quen hàng ngày của nhiều người, bất kể giá rét. Nhiều người bơi dưới dòng nước lạnh lên đến 20-30 phút mà vẫn cảm thấy bình thường. Nhiều người tự trang bị cho mình những chiếc phao tự chế. Bãi tắm này còn được gọi là bãi "tắm tiên" nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội. Tại bãi Sông Hồng, hàng chục cụ già và trung niên yêu thích bơi lội tập trung tại đây. Ông Xuân Vượng (75 tuổi) cho biết: “Tôi tắm ở đây đã được 20 năm, ngày nào cũng ra bãi này để tắm. Những ngày rét tôi cảm thấy chỉ lạnh lúc đầu thôi, mỗi lần bơi xong cảm thấy người thoải mái nhẹ nhõm lắm". Câu lạc bộ bơi lội sông Hồng tụ họp theo “ca sáng” và “ca chiều”. Các thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, già có, trẻ có. Người cao tuổi nhất là 88 tuổi, còn trẻ thì mới chỉ đôi mươi. Nghề nghiệp của họ cũng rất khác nhau. Đa phần đều đã về hưu nhưng đều có chung niềm đam mê bơi lội. Họ tự làm nhà nổi để có địa điểm giao lưu, gặp gỡ. “Cứ đến tháng 8 hàng năm, câu lạc bộ lại tổ chức một cuộc thi bơi, quãng đường bơi dài 10 km, bơi từ cầu Thăng Long về đến bãi “tắm tiên” này", một thành viên câu lạc bộ cho biết. Sau khi tắm xong, các thành viên trong câu lạc bộ trở về với gia đình. Theo Đàm Duy - Nguyễn Chương (Dân Việt)