Phát hiện chồng có người mới, người đàn bà đau khổ dắt díu các con tha phương cầu thực, rồi vô tình đến tá túc luôn tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà suốt 21 năm trời.
Tôi đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) một chiều nắng gay gắt. Xa xa đã thấy ánh lửa đỏ bập bùng cháy rực, tỏa hơi nóng lên ngọn thánh giá đã cũ. Đến gần một chút, mới biết đó là cảnh mưu sinh quen thuộc hằng ngày của mẹ con cô Thủy. Cô Thủy cho biết, công việc mưu sinh hiện tại của hai mẹ con là đi nhặt ve chai vào mỗi đêm. Hôm nào nhặt khá thì được khoảng 100.000 đồng, có hôm chỉ vài chục ngàn. Với những loại ve chai có kim loại bên trong, hai mẹ con mang về để đốt lấy lõi bán. Cách những tàn lửa vài bước là một căn chòi rách bươm, xụp xệ, hai bên là hai huyệt mã to lớn. "Ngôi nhà" ấy được hai mẹ con dựng lên đã gần 10 năm. Nhưng tính luôn chuỗi ngày phải tha phương cầu thực ở nơi âm khí ngất trời lại là cả khoảng thời gian đằng đẵng. Cô Thủy nhìn vào đống ve chai vừa đốt, kể: "Quê tôi ở Củ Chi, có chồng rồi sinh sống cũng ở đó luôn. Tôi sinh cả thảy đến 7 đứa nhưng từ nhỏ 4 đứa vì bệnh tật mà mất sớm nên chỉ còn lại hai đứa con trai và một con gái...". Ít lâu sau, cô Thủy cay đắng phát hiện chồng có nhân tình mới, thường xuyên bỏ đi biền biệt. Chán nản chuyện gia đình, người đàn bà lầm lũi dẫn ba đứa con thơ thất thều bỏ nhà đi khắp nơi kiếm sống. Cho đến một ngày của năm 1996, số phận run rủi sao lại cho người đàn bà trôi dạt đến vùng mả mồ Bình Hưng Hòa. Tại đây, người đàn bà bắt đầu hành nghề dọn dẹp nghĩa trang, quét vôi mả kiếm sống. "Ban đầu, tôi cùng các con ở trọ gần nghĩa trang. Nhưng giá trọ quá đắt mà cuộc sống ngày càng bấp bênh nên về sau tôi với các con dựng lều trong nghĩa trang luôn. Đây là căn thứ hai, còn căn đầu tiên khi trước nằm ở ngoài rìa" - cô Thủy chia sẻ. Tưởng bất hạnh đã thôi bám víu người đàn bà tội nghiệp thì ít lâu sau, con gái cô Thủy phát bệnh nặng rồi qua đời, bỏ lại cô với hai người con trai. "Tro cốt của con tôi mang để ở chùa ngoài đường cho người ta tụng kinh cầu siêu cho nó" - cô Thủy lặng lẽ nói. Sau khi con chết, cuộc sống của cô Thủy vẫn vậy, có ai thuê quét dọn mả mồ thì làm, không thì đến khuya lại đi nhặt ve chai. Vì túp lều quá nhỏ nên mẹ con cô phải thay phiên nhau, hễ người này nằm trong thì người kia mắc võng bên ngoài nằm. Nơi cột võng không gì khác, là những cây thánh giá trên các ngôi mộ. Các vật dụng sinh hoạt, nấu nướng cũng được mẹ con cô tận dụng các thành mộ mà kê lên, bếp lò thì đặt cạnh các bậc tam cấp mả. Đồ cũng vắt ngang thanh tre trên các nóc mộ mà phơi. Mỗi buổi chiều, cô Thủy xách xô qua chiếc bồn nước rỉ nhà hàng xóm, hứng nước nhỏ giọt để tắm giặt. Ở giữa nghĩa trang không có điện, nên chiếc đèn dầu là tài sản quý giá nhất của mẹ con cô. Sống giữa nghĩa trang quá buồn chán lại gần như tách biệt với hàng xóm, niềm vui duy nhất của người đàn bà là chú chó nhỏ. "Nó bị người ta bỏ rơi, đuổi đánh gần chết nên mình thấy tội nghiệp, mang về nuôi" - cô nói. Hơn nửa đời người lênh đênh là ngần ấy năm, cô Thủy sống kiếp kề cận người đã khuất. Nhưng người đàn bà cùng các con không lấy làm buồn, ngược lại, cô thấy biết ơn mảnh đất này vì đã cho mình cái ăn, tồn tại suốt bao nhiêu năm. Nhưng cuộc sống này có thể không kéo dài được lâu, bởi nghĩa trang Bình Hưng Hòa vốn nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa. Một khi những ngôi mộ được bốc lên thì chốn dung thân trước giờ của cô Thủy cũng bị đe dọa. "Nghe bảo đã giải tỏa được một phần, cuối năm nay sẽ làm tiếp. Không biết khi nào thì đến lượt nơi này" - mẹ con người đàn bà lo lắng. Câu chuyện của tôi với người đàn bà kết thúc khi trời cũng nhá nhem tối. Tiếng máy bay vừa cất cánh từ đâu vang vọng đến. Cô Thủy đứng cạnh một ngôi mộ, ngước mặt lên nhìn, cố dõi theo vật thể nhỏ xíu trên đầu đang từ từ mất hút. Có lẽ, trong đầu cô là mớ tương lai mông lung, vô định của mấy mẹ con. |
Theo Thiên Kim (Trí Thức Trẻ)