Hơn 1.500 container hàng ùn ứ ở cảng Quy Nhơn Sau sự cố tàu hàng chìm hàng loạt trong bão số 12, hơn 1.500 container hàng hóa các loại ùn ứ do luồng lạch cảng Quy Nhơn (Bình Định) bị ách tắc.
Ngày 4/11, 8 tàu chở hàng cùng lúc chìm trong bão số 12 đã gây cản trở, ách tắc cho cảng Quy Nhơn. Thống kê của Cảng Quy Nhơn, trong vòng hai tuần qua, 17 tàu trọng tải lớn với tổng sản lượng 237.000 tấn hàng hóa đã hủy chuyến vì không thể vào cảng được. Sự cố tàu chìm cản trở luồng lạch, đến nay cảng Quy Nhơn còn ùn ứ hơn 1.500 container hàng hóa các loại. Nhiều tàu hàng bị chìm ở khu vực luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn. Hiện Cảng vụ Quy Nhơn quy định tàu có mớn nước tối đa 8 m kết hợp với dao động của thủy triều cho phép tàu hàng có trọng tải gần 20.000 tấn ra, vào cảng xếp, dỡ hàng hóa. Đến ngày 23/11, tàu có trọng tải hơn 20.000 tấn chưa thể ra, vào cảng được. Tàu hàng mang tên Biển Bắc 16 chìm ngay giữa luồng lạch gây cản trở, nguy hiểm cho tàu bè ra vào xếp dỡ hàng hóa ở cảng Quy Nhơn. Trong ảnh: Chủ tàu hàng dùng phao vây, hút dầu trong khoang tàu trước khi triển khai phương án trục vớt. Ảnh: Thông Nguyễn. Lo ngại sự cố tràn dầu gây thảm họa cho vùng biển Quy Nhơn và các địa phương lân cận, Bộ Tài nguyên & Môi trường và tỉnh Bình Định yêu cầu các chủ tàu hàng chấp hành dùng phao vây xung quanh khu vực tàu chìm, hút hết nhiên liệu trong khoang, đưa hàng hóa lên bờ trước khi trục vớt xác tàu chìm. Do thời tiết biển động liên tục, công tác cứu hộ, trục vớt chậm khiến luồng lạch ra, vào cảng Quy Nhơn ách tắc kéo dài. Ảnh: Thông Nguyễn. Lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho hay, trung bình mỗi ngày các tàu hàng quốc tế chờ đợi phải chi phí từ 5.000 đến 6.000 USD. Nếu không có biện pháp sớm trục vớt các tàu bị chìm để thông luồng lạch vừa gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vừa ảnh hưởng thương hiệu cảng Quy Nhơn. Ông Liễu Minh Hoài, Phó giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn, lý giải do công tác cứu hộ, trục vớt tàu chìm chậm đã gây nhiều khó khăn, cản trở tàu trọng tải lớn ra, vào xếp dỡ hàng hóa nơi đây. Trước tình hình này, Cảng vụ đã điều động tàu hoa tiêu dẫn đường đưa các tàu chở hàng neo đậu tránh bão 12 ùn ứ ra khỏi khu vực cảng Quy Nhơn tránh đâm va xác tàu chìm nguy hiểm. Container hàng hóa chồng chất "cao như núi" ở trong khu vực bãi tập kết. Dù luồng hàng hải còn bị ách tắc nhưng xe đầu kéo, xe tải khắp nơi vẫn tiếp tục chở hàng về càng khiến cảng Quy Nhơn trở nên quá tải. Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện, cho biết kim ngạch xuất khẩu hai tháng cuối năm ngành gỗ và lâm sản dự kiến đạt khoảng 100 triệu USD, nhập khẩu đạt 50 triệu USD, trong đó hơn 1.500 container gỗ, lâm sản xuất nhập khẩu. Tuy nhiên luồng lạch cảng Quy Nhơn bị ách tắc sau sự cố tàu chìm khiến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành khó đạt theo kế hoạch đề ra. Theo vị Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất nhưng vẫn phải trả chi phí lưu kho, bến bãi cho hàng nhập khẩu bị đưa trở lại cảng trung chuyển ở Singapore do không bốc dỡ được ở cảng Quy Nhơn. Nguy cơ bị phạt hợp đồng, mất khách hàng là rất lớn vì không giao hàng theo đúng thời gian hợp đồng... Theo các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Bình Định, nếu luồng lạch hàng hải ra vào cảng Quy Nhơn bị ách tắc kéo dài hết tháng 12 thì hàng hóa về không kịp để bán hàng cho các đối tác. Qua đợt bán hàng thì đối tác sẽ hủy hợp đồng, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Bình Định có nguy cơ lâm cảnh khốn khó. Container hàng hóa nằm ngổn ngang bên những ụ dăm gỗ cao ngất ngưởng như đồi núi ở cảng Quy Nhơn. Lãnh đạo Công ty lâm nghiệp sông Kôn, bộc bạch ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu Bình Định đang đối mặt với nhiều khó khăn. "Nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu nào ở Bình Định cũng đang tồn đọng từ 7.000 tấn dăm gỗ trở lên. Hai tháng cuối năm thời tiết xấu liên tục, giờ đây thêm cảnh luồng lạch bị ách tắc do sự cố tàu chìm khiến chúng tôi càng lâm cảnh khốn khó hơn", vị này nói. Xe đầu kéo chen chúc chờ đợi để xếp dỡ container hàng hóa ùn ứ dài ngày ở cảng Quy Nhơn. Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết thêm giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Quy Nhơn vừa làm việc với Bộ Giao thông Vận tải bàn giải pháp trục vớt khẩn cấp xác tàu Biển Bắc 16 chìm gây cản trở luồng lạch ra vào cảng. "Nếu trong tháng 12, các chủ tàu chưa trục vớt các tàu hàng chìm, tỉnh làm việc với Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng Hải phối hợp với các cơ quan chức năng trục vớt, kéo các xác tàu chìm ra khỏi vùng biển Quy Nhơn", ông Châu nói. Sau hai tuần xảy ra sự cố tàu chìm trong bão số 12, sáng 23/11, chiếc tàu trọng tải dưới 20.000 tấn vào xếp dỡ container hiếm hoi ở cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên tàu hàng trọng tải nhỏ này "giải phóng" chưa đáng kể so với tổng số container còn ùn ứ quá lớn khu vực này. Theo Minh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)