Xã đảo Thạnh An nằm ở phía Đông Nam TP.HCM với diện tích 13.000 ha, trong đó cù lao Phú Lợi trên cửa biển Cần Giờ có diện tích khoảng 33ha. Xã đảo hiện có 1.131 hộ dân sinh sống với hơn 4.500 nhân khẩu; có lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo.
Đây là một hòn đảo nhỏ với địa hình đặc thù là rừng ngập mặt bao quanh 3/4 hòn đảo. Những dãy là dân nằm sát nhau thành từng lô dài, lọt thỏm giữa rừng cây xanh bao quanh.
Phía Đông là một đường bờ kè được xây bằng đá kéo dài bao hơn nửa hòn đảo. Đi dọc con đê này sẽ nghe tiếng sóng vỗ rì rào, một bên là biển trong xanh, một bên là rừng ngập mặn um tùm.
UBND TP.HCM nhận định, xã Thạnh An đã đảm bảo 2/2 tiêu chí và 2/3 điều kiện để đáp ứng quy định được công nhận là xã đảo. Sau khi HĐND TP.HCM có Nghị quyết thông qua, UBND TP sẽ tiếp tục trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận việc công nhận đơn vị hành chính này là xã đảo.
Hiện tại, hòn đảo này đã có đủ hệ thống "điện, đường, trường, trạm", phục vụ cho cuộc sống của người dân trên đảo tốt hơn.
Xã Thạnh An chỉ có 3 ấp: Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng, với hơn 1.000 người dân cùng lực lượng biên phòng sinh sống và làm việc. Cuộc sống của người dân trên đảo khá yên bình và giản di.
Người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề biển, đánh bắt hải sản, làm muối. Ngày thường, họ làm thêm các việc như buôn bán, làm cá khô, xâu chuỗi mành thuê… để có thêm thu nhập.
Chị Hoàng Yến Phượng (tổ 10, xã Thạnh An) kể đã hơn 10 năm nay gia đình sống bằng nghề làm mắm và làm cá khô. "Cuộc sống trên đảo bình yên lắm, không trộm cướp, không ồn ào, bà con yêu thương, giúp đỡ nhau. Nghe nói nơi đây sắp lên xã đảo, mọi người háo hức lắm. Ai cũng mong Thạnh An sớm lên xã, để được chính quyền quan tâm, đầu tư hơn, giúp cuộc sống bà con trên đảo tốt hơn nhờ các loại nghề mới như du lịch, kinh doanh...".
Khoảng 3/4 diện tích đảo được bao phủ bằng rừng ngập mặn. Khi tới với đảo Thạnh An, mọi người sẽ cảm nhận mình được tách biệt ra với cuộc sống ồn ào phố thị, đi lạc vào những con hẻm nhỏ, những góc sống giản dị của người dân nơi đây…
Phía bắc của hòn đảo là một cảng nhỏ, nơi neo đậu thuyền bè ngư dân. Đây cũng là nơi cập bến của các du khách phương xa thăm đảo bằng đường thủy.
Nghề chính của bà con trên đảo là đánh bắt hải sản, mỗi khi từ biển trở về, người dân lại tranh thủ đan, vá lưới để chờ chuyến ra khơi sau.
Ông Phạm Công Thành cho biết, gia đình chuyên làm mắm cá cơm, nhận sơ chế hải sản cho các thương lái hàng ngày. "Trên đảo mỗi người mỗi nghề, người thì đi biển đánh bắt, nhà thì làm khô, làm mắm. Như nhà tôi chuyên làm mắm với nhận sơ chế cá cho thương lái. Sau khi lên xã đảo, cũng hy vọng đảo sẽ phát triển thêm nhiều nghề khác, giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn" - ông Thành cười tươi nói.
Xã Thạnh An nằm cách trung tâm TP.HCM hơn 70 km về phía Đông, muốn tới thăm đảo chỉ có đường duy nhất là đi tàu. Từ thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), phải đi thuyền khoảng 30 phút trên tàu. Hiện, tàu chạy ra đảo vào các khung giờ: 6h30, 9h30,12h, 14h , 17h. Tàu về đất liền lúc: 6h30, 7h30, 12h, 14h, 17h.
Khu vực bến tàu thường nhộn nhịp vào sáng sớm và hoàng hôn, khi những du khách từ đất liền ghé đảo hoặc rời đi.
Đình thần Thạnh An được xây dựng khang trang ở cuối hòn đảo.
Những con đường, hẻm nhỏ thanh bình, treo cờ đỏ sao vàng khắp nơi.
Vào tháng 4/2015, tuyến cáp ngầm 22 kV vượt biển đã đưa điện lưới quốc gia tới Thạnh An, giúp đời sống người dân trên đảo cải thiện đáng kể, ấm no. Diện mạo xã đảo vì thế đang dần thay đổi từng ngày.
Xã đạo Thạnh An có địa bàn trũng thấp, thường xuyên bị ngập do triều, mật độ dân cư cao, trên 5% dân cư có thu nhập thuộc diện hộ nghèo. Đây là nơi thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do mưa bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường; khó có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Hải Long (Pháp luật & Bạn đọc)