Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama thường đón tiếp nguyên thủ nước ngoài tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Tiệc cấp nhà nước cũng được tổ chức ngay trong tòa Bạch Ốc và do đầu bếp của Nhà Trắng đảm trách. Bếp trưởng của Tổng thống Obama là bà Cristeta Comerford, một người Mỹ gốc Philippines. Ảnh: Nhà Trắng |
|
Comerford di cư sang Mỹ năm 23 tuổi. Khởi nghiệp từ nghề trộn salad, Comerford nhanh chóng thể hiện mình và được nhận vào Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton năm 1995. Sau 20 năm làm việc, Comerford vẫn là người chăm lo bữa ăn cho ông chủ Nhà Trắng và nấu các bữa tiệc cấp nhà nước để phục vụ nguyên thủ nước ngoài. Ảnh: Nhà Trắng |
|
Đầu bếp Nhà Trắng có thể nấu những bữa tiệc dành cho hàng trăm người, bao gồm các nguyên thủ và khách mời. Thực phẩm được chọn lọc từ các nguồn tin cậy và trải qua quy trình kiểm độc nghiêm ngặt. Thậm chí, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama còn cải tạo sân sau Nhà Trắng để trồng rau sạch, phục vụ gia đình và các bữa tiệc cấp nhà nước quy mô nhỏ. Ảnh: Nhà Trắng |
|
Việc nấu nướng phục vụ nguyên thủ nước ngoài cũng đòi hỏi nhiều công sức. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, các đầu bếp của Nhà Trắng cần hiểu rõ phong tục, tôn giáo của khách mời để tránh mắc lỗi văn hóa, gây tác động không tốt tới buổi chiêu đãi của người quyền lực nhất nước Mỹ. Ảnh: Nhà Trắng |
|
Comerford từng phải tổ chức tiệc chiêu đãi cho 50 nguyên thủ châu Phi trong khuôn khổ một cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ở Mỹ. Bà phải chú ý tới từng người để không đặt rượu nhầm chỗ những nguyên thủ theo đạo Hồi. Các đầu bếp cũng khéo léo chế biến đặc sản Mỹ theo khẩu vị châu Phi để các nguyên thủ có thể thưởng thức món ngon mà không cảm thấy lạ lẫm. Ảnh: Getty |
|
Trong bữa tiệc chiêu đãi nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Obama hôm 24/11/2009, các đầu bếp đã nấu cà ri và các món chay phục vụ Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vì ông là người ăn chay. Ảnh: Wikimedia |
|
Ngoài Nhà Trắng, Trại David cũng là nơi các tổng thống Mỹ dùng để đón nguyên thủ nước ngoài. Tuy nhiên, không nhiều người được mời tới khu nghỉ dưỡng của ông chủ Nhà Trắng nằm cách thủ đô Washington, D.C. 100 km về phía bắc tây bắc. Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh ở cơ sở này. Ảnh: Hải quân Mỹ |
|
Năm 2012, Mỹ quyết định tổ chức họp thượng đỉnh G8 tại trại David. Tổng thống Obama đã mời lãnh đạo 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới bao gồm Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Thủ tướng Italy Mario Monti, Thủ tướng Canada Stephen Harper, Tổng thống Pháp François Hollande cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tới dự. Ảnh: Reuters |
|
Năm 2007, Tổng thống George W. Bush cũng mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trại David. Mỹ và Nhật là những đồng minh thân cận. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Abe nói ông “cảm thông sâu sắc” đối với những người phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II và xin lỗi vì họ đã phải chịu những nỗi đau khổ cùng cực như vậy. Ảnh: Wikipedia |
|
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng tiếp “Bà đầm thép” Margaret Thatcher tại Trại David năm 1984. Trại David có tên đầy đủ là Cơ sở Hỗ trợ Hải quân Thurmont, nằm trên núi ở tiểu bang Maryland. Trại được các đời tổng thống Mỹ sử dụng để nghỉ ngơi và tiếp khách. Do nằm tách biệt với bên ngoài nên Trại David tạo cho tổng thống Mỹ và các khách mời một không gian yên bình và tĩnh lặng. Ảnh: Wikipedia |
|
Các tổng thống Mỹ cũng có cách đón tiếp những vị khách đặc biệt theo cách riêng. Đầu năm 2007, Tổng thống George W. Bush (con) đón người đồng cấp Nga Vladimir Putin bằng một chuyến đi đặc biệt. Ngay sau khi máy bay chở người quyền lực nhất nước Nga đáp xuống sân bay ở New Hampshire, Tổng thống Bush gọi trực thăng đưa họ tới khu nghỉ dưỡng mùa hè Walker's Point. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đi thuyền cao tốc. Đây là động thái bất thường trong ngoại giao nhưng ông Putin, người nổi tiếng ưa các hoạt động cảm giác mạnh, tỏ ra khá thích thú. Ngày hôm sau, họ nói chuyện về hệ thống phòng thủ tên lửa và tìm thấy những điểm chung. Ảnh: Getty |
Tháng 3/2012, Tổng thống Barack Obama đón tiếp Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm 3 ngày. Tuy nhiên, hoạt động đầu tiên của hai nhà lãnh đạo là xem một trận bóng rổ ở Đại học Dayton, bang Ohio. Bữa ăn nhanh ông Cameron thưởng thức trên khán đài hoàn toàn không giống bữa tiệc chiêu đãi nguyên thủ mà chỉ đơn thuần như bữa ăn giữa hai người bạn. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm tình hình Afghanistan, Iraq và bất ổn Syria. Ảnh: Reuters |