Từ đêm 15/10 đến sáng 16/10, nhiều nơi ở Yên Bái có mưa vừa, có lúc mưa to. Nhiều nơi đối diện nguy cơ sạt lở đất như thành phố Yên Bái và các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên.
Sáng 16/10, lượng mưa tại xã Lương Thịnh đạt 208mm, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên đạt 199 mm, dẫn tới nước ngập, nhiều điểm giao thông đứt, gãy do sạt lở.
Quốc lộ 37 qua địa bàn xã Lương Thịnh, Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (từ Km 20 đến Km25) bị sạt lở 5 điểm vùi lấp xuống gây ách tắc giao thông từ thành phố Yên Bái đi thị xã Nghĩa Lộ.
Tại xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, trưa 16/10, mưa lớn khiến nước suối Ngòi Lâu dâng cao, 38 hộ dân bị ngập phải di dời, 115 hộ bị chia cắt ở các thôn Đoàn Kết, Thanh Giang.
Mưa lớn cũng làm một số tuyến đường tại các xã Y Can, Kiên Thành, Việt Hồng, Việt Cường, Hồng Ca của huyện Trấn Yên bị ngập, gây ách tắc cục bộ.
Tại thành phố Yên Bái, các tuyến đường như Lê Văn Tám, Hoàng Hoa Thám, Ngô Sỹ Liên và một số khu vực trũng thấp cũng bị ngập úng cục bộ kéo dài.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, 38 hộ dân ở xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái phải di dời người và tài sản tránh để ngập lụt, nguy cơ sạt lở; hơn 30 ha lúa, hoa màu và ngô ở huyện Trấn Yên, Văn Yên bị ngập úng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, cảnh báo các khu vực nguy hiểm, hướng dẫn điều tiết giao thông…
Ông Trần Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Minh Tân, thành phố Yên Bái - nơi còn gần 70 hộ dân nguy cơ cao bị sạt lở cho biết, địa phương đã thực hiện cảnh báo đến nhân dân ở các khu vực nguy cơ sạt lở cao và yêu cầu tuyệt đối không trở về nhà khi chưa bảo đảm an toàn. Đồng thời, phường cũng đã ra văn bản cảnh báo nguy cơ sạt lở và ngập úng cục bộ để người dân chủ động phòng tránh, phân công nhiệm vụ trực ban 24/24h để đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời và xử lý kịp thời khi có các tình huống phát sinh.
Theo Văn Đức (Tiền Phong)