Đây là một trong số hàng chục tư liệu, hiện vật được trưng bày trong triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược" nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn Quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và J. Sainteny - đại diện Chính phủ Pháp cùng đại diện các nước đồng minh nghe đọc văn bản Hiệp định sơ bộ trước khi được ký kết tại Hà Nội ngày 6/3/1946. Với hiệp định này, Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, tài chính và quân đội riêng nhưng vẫn nằm trong Khối Liên hiệp Pháp; Việt Nam chấp thuận để 15 nghìn quân Pháp được vào Miền Bắc để thay thế quân đội Trung Hoa và sẽ phải rút hết sau thời hạn 5 năm; Hai bên đình chiến để mở đàm phán chính thức. Hiệp định sơ bộ là sự nhân nhượng của Việt Nam khi chúng ta phải chấp nhận một nền độc lập hạn chế và một nền thống nhất có điều kiện. |
Đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị Fontainebleau - Pháp năm 1946. Ngày 31/5/1946, phái đoàn chính phủ nước ta do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn lên đường sang dự hội nghị đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Pháp tại lâu đài Fontainebleau từ 6/7 - 10/9/1946 bàn về các nội dung chính: Địa vị của Việt Nam trong Khối Liên hiệp Pháp; Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước; Tổ chức giữa các xứ trong liên bang Đông Dương; Việc thống nhất 3 Kỳ của Việt Nam qua việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ. Tuy nhiên kết thúc đàm phán không đạt được kết quả mong muốn, ngày 13/9/1946 đoàn Việt Nam lên đường về nước. |
Trong thời gian ở thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp M. Moutet đại diện chính phủ Pháp đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi và đã ký Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946. Tạm ước này chỉ là giải pháp tình thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vấn đề độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước không thể giải quyết thông qua đàm phán. |
Bút tích "Lời kêu gọi toàn Quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946. Ra đời trong hoàn cảnh Chính quyền cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ,... đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, "Lời kêu gọi toàn Quốc kháng chiến" là quyết định kịp thời mang tính chiến lược với ý chí: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Lời kêu gọi với chỉ 198 chữ nhưng đã thể hiện một cách rõ ràng đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến và phương châm dánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính. |
Nhân dân Tây Nguyên biểu tình chống thực dân Pháp xâm lược đáp ứng "Lời kêu gọi toàn Quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau giờ làm việc tại làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang năm 1947. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sảo từ 2/4 - 19/5/1947. Trong thời gian làm việc tại đây, Bác đã chủ trì nhiều hội nghị quan trọng. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng tài chính Lê Văn Hiến giao ước thi đua, tăng gia sản xuất tại Chiến khu Việt Bắc. Sau khi các cơ quan trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, khu giải phóng cũ trở thành trung tâm lanh đạo kháng chiến cả nước. Cùng với việc kiện toàn bộ máy Đảng bộ và chính quyền các cấp, thực hiện giảm tô, giảm tức... phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, thực hiện kinh tế tự cấp, tự túc phá vỡ cuộc bao vây phá hoại kinh tế của địch. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng tài chính Lê Văn Hiến giao ước thi đua, tăng gia sản xuất tại Chiến khu Việt Bắc. Sau khi các cơ quan trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, khu giải phóng cũ trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến cả nước. Cùng với việc kiện toàn bộ máy Đảng bộ và chính quyền các cấp, thực hiện giảm tô, giảm tức... phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, thực hiện kinh tế tự cấp, tự túc phá vỡ cuộc bao vây phá hoại kinh tế của địch. |
Nhân dân Pháp tuần hành đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954. |
Bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào gặp nhau sau một chiến thắng quan trọng. |
Trên đường đi chiến dịch biên giới 9/1950, nơi nghỉ chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi là nhà dân, khi là hang núi, khi là lán dựng tạm ven đường. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội và du kích đã tham gia chiến dịch biên giới đóng tại huyện Phục Hòa, Cao Bằng, tháng 3/1951. Sau gần 8 năm kháng chiến, đến năm 1953, thế chiến lược trên chiến trường Việt Nam đã thay đổi căn bản: quân ta giành thế chủ động, quân viễn chinh Pháp lâm thế bị động. Để cứu vãn tình thế, tạo ra thắng lợi quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi, ngày 7/5/1953, Pháp cử tướng Henri Navarre sang Đông Dương làm tổng chỉ huy quân viễn chinh, thông qua kế hoạch Navarre. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, tháng 9/1954. |
Ngày 18/9/1954, khi đến thăm và nói chuyện với cán bộ chiến sỹ đơn vị bộ đội tình nguyện chiến đấu ở Lào mới về tại xã Chân Mộng, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, Bác căn dặn các công việc mà đơn vị cần phải làm để thực hiện tốt nghĩa vụ giúp đỡ các nước anh em. |
Từng đoàn xe đạp từ các tỉnh khu VI thồ hàng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng lịch sử này là đòn quyết định tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện cuộc chiến, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. |
Nhân dân Thủ đô Hà Nội đón bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. |
Theo Hữu Nghị (Dân Trí)