Từ ngày 19 tháng Chạp, người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm lại nhộn nhịp đánh bắt hàng tấn cá chép, kẻ bán người mua tấp nập.
Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất để phát triển làng nghề. Hiện nay cả làng Thủy Trầm có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ; với 670 hộ dân, trong đó 353 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh cá; sử dụng trên 1.250 lao động tại chỗ.
Cá chép đỏ tại Thuỷ Trầm có hình thoi, mình dẹt, viền lưng cong, đầu thuôn, cân đối, mõm tù, toàn thân đỏ sặc sỡ.
Gần đây, nhiều hộ dân nuôi và kết hợp nhân giống với cá chép Indonesia và cá chép Nhật Bản để tạo những con cá có đuôi dài, màu sắc đỏ đậm hơn.
Theo một số người nuôi cá lâu năm tại làng Thủy Trầm, cá chép Thủy Trầm là giống cá chép đẹp nhất vùng này, nên thương lái khắp nơi, từ Lào Cai, Yên Bái tới Nam Định, Thái Bình,…cũng đều tìm đến đây để thu mua.
Thông thường cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ giữa năm, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay, trung bình 20-40 con/kg là vừa đẹp để người dân mua cúng ông Công ông Táo.
Ông Nguyễn Huy Luận (khu 3, xã Tuy Lộc) cho biết, năm nay thời tiết ủng hộ cho việc nuôi cá đỏ. Thế nhưng, giá thành cũng vì thế mà giảm hẳn so với mọi năm. Mỗi cân cá đỏ năm nay có giá dao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg.
Năm nay gia đình nhà ông Luận cung cấp ra thị trường khoảng gần 2 tấn cá chép đỏ cúng ông Công, ông Táo.
Trong thời gian đó, bể sẽ được sục oxy và thay nước liên tục. Cá sẽ không được cho ăn để đề phòng bị vỡ bụng khi vận chuyển.
Trong những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi cá.
Năm nay, HTX Thuỷ Trầm cung cấp được cho thị trường ước khoảng 50 tấn...
Theo các cụ cao niên của làng, nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và được lưu truyền, phát triển cho đến bây giờ. Hiện nay, nghề nuôi cá chép đỏ không chỉ là mục đích kinh tế mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ bao đời của người dân nơi đây.
Theo Phạm Tùng (Nguoiduatin.vn)