22h khuya 11/11, Đội CSGT Bàn Cờ, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08 - Công an TP.HCM), lập chốt tại giao lộ Điện Biên Phủ - Bà Huyện Thanh Quan, phường 7 (quận 3, TP.HCM), tiến hành kiểm tra nồng độ cồn người lái xe. Đường Điện Biên Phủ qua khu vực được phân một làn riêng bằng các cọc phản quang hình nón, CSGT mời ngẫu nhiên ôtô lưu thông trên đường vào, yêu cầu tài xế thổi vào máy đo nồng độ cồn. Việc kiểm tra nồng độ cồn được thực hiện đồng loạt tại các đội giao thông trên địa bàn TP.HCM từ nay đến hết ngày 2/3/2019, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm và đầu năm mới. Trên đường đi nhậu về, anh Phạm Văn Diên (40 tuổi, quê Thái Bình) được lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Sau khi anh thổi vào máy, chỉ số thể hiện 1,393 mg/ lít khí thở, tài xế vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường bộ. Anh bị lập biên bản, giữ xe và hẹn lên Đội CSGT Bàn Cờ làm việc. "Tối nay ngồi với bạn bè vui quá, tôi uống khoảng 10 chai bia, nhưng vẫn tỉnh táo lái xe về nhà. CSGT thông báo mức phạt của tôi là 17 triệu đồng. Tôi hoàn toàn chấp hành, không ý kiến gì cả", anh Diên nói. Còn anh Nguyễn Thành Tân (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết anh hoàn toàn ủng hộ việc kiểm tra nồng độ cồn của CSGT. "Bản thân là tài xế, tôi rất hiểu nếu sử dụng rượu bia sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường thế nào. Theo tôi, đã uống rượu bia thì không lái ôtô, nên đi taxi hoặc xe ôm là an toàn nhất", anh Tân chia sẻ. Trung tá Thái Văn Anh, Phó đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08 - Công an TP.HCM), cho biết căn cứ tình hình giao thông trên địa đảm trách, đơn vị chủ động đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Người uống rượu, bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, đơn vị chủ động tập trung lực lượng kiểm tra ở các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán ăn để kiểm tra, xử lý. "Đo nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế rất nhanh, chính xác nên có thể kiểm tra được nhiều tài xế cùng lúc. Sau 21h hàng ngày, lực lượng CSGT của đội sẽ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tài xế. Chúng tôi hy vọng việc tích cực kiểm tra nồng độ cồn sẽ giảm được tai nạn giao thông, nâng cao ý thức người dân không sử dụng rượu, bia khi lái xe", trung tá Thái Văn Anh nói. Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển ôtô trên đường nếu hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 0.25mg/ lít khí thở, bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1-3 tháng; nồng độ cồn vượt quá 0.25 mg đến 0.4 mg/ lít khí thở, bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 3-5 tháng; nồng độ cồn vượt quá 0.4 mg/ lít khí thở, tài xế bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước GPLX 4-6 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Việc kiểm tra độ cồn được CSGT tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, tổ công tác dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động, không cần dùng ống thổi để kiểm tra người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở hay không, nếu không vi phạm người lái xe tiếp tục hành trình. Giai đoạn 2, nếu người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra giấy tờ của tài xế và phương tiện, dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng có ống thổi, kiểm tra xác định mức độ vi phạm và lập biên bản, tạm giữ phương tiện. Đến 23h20, Đội CSGT Bàn Cờ ngưng kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực giao lộ Điện Biên Phủ - Bà Huyện Thanh Quan. Lực lượng CSGT kiểm tra 39 tài xế, lập biên bản 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn 1,393 mg/lít khí thở, tạm giữ phương tiện này. Theo An Huy (Tri Thức Trực Tuyến)