Sáng 5/9, khoảng 22 triệu học sinh trên cả nước chính thức bước vào năm học mới với lễ khai giảng trên sân trường. Ngay từ sớm, nhiều phụ huynh đã đưa con đến trường mang theo cặp sách để học ngay sau buổi lễ. Tại trường tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), học sinh lớp 4, 5, do quen nhau từ trước, không cần cha mẹ đưa đón, tự tin bước vào trường cùng nhau với lá cờ trên tay. Trong khi đó, nhiều bé bỡ ngỡ khi lần đầu đến lớp. Bé Khánh Chi được bà đưa đến dự lễ khai giảng nhưng khóc suốt từ lúc vào cổng trường, không chịu vào lớp xếp hàng. Nhà trường căng bạt che nhưng vẫn bị một khoảng trống nhỏ khiến một số học sinh bị nắng chiếu vào người. Nghi lễ hát Quốc ca chào cờ của học sinh tiểu học. Chương trình lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn trong khoảng một giờ. Học sinh nghe đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường. Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường. Sau phần lễ, học sinh tham dự phần hội là các tiết mục văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian. Nội dung lễ khai giảng chú trọng việc đón học sinh đầu cấp, bảo đảm đơn giản, tiết kiệm. Những khoảnh khắc tinh nghịch hồn nhiên của học sinh lớp 1. Do học từ đầu tháng 8, được làm quen với trường lớp, các bạn và cô giáo, nhiều bé không còn bỡ ngỡ như các em lớp 1 của nhiều năm trước. Đây là năm học đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Năm học 2018-2019, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm đã được đề ra từ 2 năm trước. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học này là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thành bại của giáo dục là phát triển đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT sẽ nỗ lực để không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất trong năm học này. Theo Nhóm PV (Tri Thức Trực Tuyến)