Hồ Gươm thay đổi thế nào sau hơn 100 năm

31/03/2017 16:05:00

Thời Pháp thuộc, lấy Hồ Gươm làm trung tâm, Hà Nội chia làm hai khu rõ rệt là phố ta và phố tây, ranh giới hai khu là đường Tràng Tiền và Tràng Thi.

Thời Pháp thuộc, lấy Hồ Gươm làm trung tâm, Hà Nội chia làm hai khu rõ rệt là phố ta và phố tây, ranh giới hai khu là đường Tràng Tiền và Tràng Thi.

 

Hồ Gươm rộng khoảng 12 ha nằm ở trung tâm Hà Nội, nơi tập trung nhiều danh thắng như tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đài Nghiên, tháp Bút...

Thời gian 1888-1895, thực dân Pháp đẩy mạnh quy hoạch Hà Nội, ở khu vực trung tâm, họ xây một khu phố riêng mà người dân thời ấy gọi là phố tây (phía Nam) để phân biệt với 36 phố phường (phía Bắc). Hồ Gươm trở thành nơi phân cách hai khu phố trên.

Hơn 100 năm trước, nhìn toàn cảnh Hồ Gươm từ trên cao có thể phân rõ hai khu phố bởi kiến trúc khác nhau, thấy cầu Long Biên ở phía xa, các bãi bồi ven sông Hồng còn hoang sơ. Do tốc độ đô thị hoá, khu phía Bắc ngày nay phát triển sầm uất chẳng kém phía Nam.

 

Bên Hồ Gươm xưa (đầu đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay) từng tồn tại ngôi chùa Báo Ân bề thế nhất nhì Hà Nội vào thế kỷ 19. Chùa khánh thành năm 1847 dưới thời vua Thiệu Trị, có gần 200 gian, 36 nóc, nằm trên vị trí đắc địa, mặt hướng ra hồ. Cuối thế kỷ 19, chùa bị phá để xây bưu điện và ngân hàng trong cơn lốc quy hoạch thành phố của thực dân Pháp. 

Trên nền chùa Báo Ân cũ là Bưu điện Hà Nội ngày nay.

 

Tháp cổ Hoà Phong cao 3 tầng, nằm trước cổng chùa Báo Ân ngày trước. Tranh khắc về tháp Hoà Phong dựa trên ảnh tư liệu do bác sĩ Hocquard thực hiện năm 1884. Quanh tháp hồi đó còn mênh mang nước. Hồ Gươm khi ấy nổi tiếng với ba ngọn tháp là tháp Rùa, tháp Bút và tháp Hoà Phong.

Ngày nay, tháp Hoà Phong nằm ở bờ nam Hồ Gươm, đầu đường Đinh Tiên Hoàng.

Cầu Thê Húc xây dựng năm 1865, nối bờ Hồ với đền Ngọc Sơn qua cổng Đắc Nguyệt Lân. Trong ảnh chụp năm 1884, cầu làm bằng gỗ đơn sơ, chưa có lan can. Qua hai lần tái thiết kế, cầu Thê Húc ngày nay được sơn đỏ, dựng lan can, gồm 15 nhịp với 32 chân gỗ tròn xếp thành 16 đôi.

Đình Trấn Ba nằm trong khuôn viên đền Ngọc Sơn, đây là nơi được văn nhân Hà thành xưa yêu thích vì có thể nhìn toàn cảnh Hồ Gươm. Trải hơn trăm năm, những tán đa cổ thụ rủ bóng quanh hồ như bao bọc không gian cả cụm kiến trúc.

 

Nhà Godard là bách hóa chuyên phục vụ người Pháp nằm ở đầu phố Tràng Tiền. Do thời thế, toà nhà bán lại cho thương nhân, qua tay nhiều chủ sở hữu rồi trở thành Bách hóa Tổng hợp năm 1960. Năm 2002, bách hóa lớn nhất miền Bắc thời bao cấp được thay bằng cái tên Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.

 

Nhà hát Lớn nằm trên phố Tràng Tiền, con phố trước đây tập trung nhiều cửa hàng, cửa hiệu, là nơi mua sắm yêu thích của quan chức Pháp và người Pháp ở Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan viết: Thời Pháp thuộc, Hà Nội chia làm hai khu rõ rệt, lấy Hồ Gươm làm trung tâm. Một khu gọi là bản xứ, một khu gọi là khu người Pháp, ranh giới là con đường phố Tràng Tiền và phố Tràng Thi.

Các công trình xây dựng trên phố Tràng Tiền, nhà hát Lớn ngày nay không thay đổi nhiều so với trước.

 

Vườn hoa Con Cóc nằm đối diện với nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ xưa), ảnh chụp năm 1905. Nơi đây được đổi tên thành vườn hoa Diên Hồng năm 1954.

 

Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục bên hồ Hoàn Kiếm là nơi giao nhau của nhiều tuyến xe điện tỏa ra các cửa ô.

Tuyến xe điện bờ Hồ do người Pháp xây dựng từ 1899-1943 mới xong. Người Hà Nội một thời hẳn nhớ tiếng leng keng, cảnh nhộn nhịp tại ga xe điện bờ Hồ từ 5h sáng đến 23h đêm. Năm 1990, xe điện không còn hoạt động, các đường ray cũng bị bóc đi.

Giờ ga xe điện bờ hồ trở thành điểm trung chuyển của nhiều tuyến xe buýt. Toà nhà văn phòng điều hành xe điện, nơi giao ca của các lái tàu, bán vé nay biến thành toà nhà 4 tầng.

 

Đình nghỉ chân hình bát giác phía sau tượng đài Lý Thái Tổ (vườn hoa Paul Bert xưa). Người Hà Nội hay gọi là nhà kèn vì cuối tuần các đội nhạc người Pháp hay ra đây thổi kèn, chơi nhạc. Đến nay, nhà kèn vẫn còn song đã thay đổi chất liệu mái lợp, hoạ tiết trang trí trên mái.

 

Trải qua thăng trầm thời gian, nhiều thế hệ đã thành người thiên cổ, dấu xưa mờ nhạt nhưng câu ca thì vẫn nguyên vẹn Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ/Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn/ Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn/ Hỏi ai gây dựng nên non nước này...

Theo Giang Huy - Hoàng Phương (VnExpress.net)
(Bài sử dụng ảnh tư liệu của Bảo tàng Hà Nội)

Nổi bật